|
Ảnh minh họa |
Theo điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì lỗi “xe không chính chủ” là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, được tặng.
Hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy, ô tô chỉ bị xử phạt nếu được xác minh để phát hiện hành vi vi phạm trong 02 trường hợp: Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; Qua công tác đăng ký xe.
Từ ngày 1/1/2020, nếu chủ phương tiện ô tô, xe máy và các loại xe tương tự khi có phát sinh giao dịch như mua bán, tặng cho, được phân bổ, được điều chuyển hay thừa kế tài sản mà không thực hiện việc đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt tiền theo mức được quy định. Mức xử phạt theo quy định mới tăng gấp đôi so với quy định trước đây.
Cụ thể, đối với chủ xe ô tô và các loại xe tương tự, các cá nhân có thể bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng khi không làm thủ tục đăng ký sang tên các loại ô tô. Còn đối với các tổ chức sẽ bị phạt từ 4 – 8 triệu đồng.
Còn đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện có thể bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng; trường hợp chủ xe là tổ chức sẽ bị phạt mức tiền từ 800.000 – 1.2 triệu đồng.
Các phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký xe hoặc đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế ài sản thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện.
Chủ xe có thể cho mượn xe đối với các thành viên trong gia đình để tham gia giao thông bình thường. Tuy nhiên, người lái xe cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông và mang theo đầy đủ giấy tờ liên quan như bằng lái, đăng ký phương tiện, bảo hiểm…