|
Ảnh minh hoạ |
Thông tư quy định rõ tiêu chí thành lập trạm thu phí đường bộ là phải đặt trong phạm vi của dự án; phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thực hiện hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và sử dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại; trường hợp áp dụng hình thức khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép; trường hợp trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đối tác công tư phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
Công khai vị trí trạm thu phí trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; tại UBND cấp huyện, xã nơi đặt trạm thu phí kể từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Hoạt động trạm thu phí đường bộ phải được công khai, minh bạch; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, chỉ cung cấp thông tin khi có sự đồng ý của người sử dụng hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Hình thức và phương thức thu tiền sử dụng đường bộ
Theo Thông tư quy định, thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng.
Hình thức điện tử không dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện tham gia giao thông đường bộ không phải dừng lại để trả tiền sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí; hình thức một dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ mà khi qua trạm thu phí, phương tiện giao thông đường bộ thực hiện một lần dừng khi qua cửa kiểm soát làn thu phí để trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín.
Phương thức mở là phương thức thu mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện; phương thức kín là phương thức thu mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.
Các đoạn tuyến cao tốc; các đoạn tuyến cao tốc nối tiếp nhau; các tuyến cao tốc; các tuyến cao tốc liên kết với nhau được tổ chức thu thành một hệ thống thu thực hiện theo phương thức kín.
Làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) tại trạm thu phí được bố trí theo quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg.
Hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được cấp có thẩm quyền quyết định trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Quản lý, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ việc quản lý, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ. Theo đó, đơn vị quản lý thu, đơn vị vận hành thu và nhà cung cấp dịch vụ thu phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của trạm thu phí để bảo đảm hoạt động thu đúng quy định; cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vấn đề liên quan an ninh, an toàn giao thông trong quá trình khai thác.
Cơ quan có thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động trạm thu phí đường bộ bằng Hệ thống quản lý, giám sát thu hoặc các phương pháp nghiệp vụ khác và xử lý vi phạm hoạt động của trạm thu phí theo quy định của pháp luật, theo quy định của hợp đồng.
Hệ thống quản lý, giám sát thu có vai trò, chức năng cung cấp thông tin phục vụ việc giám sát hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/03/2022 và thay thế Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT ngày 22/7/2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.