Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị dịp nghỉ tết Dương lịch và tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn Thành phố, Thanh tra Sở đã ban hành văn bản số 2382/TTS-TMTH chỉ đạo các Đội Thanh tra giao thông vận tải quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an và các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý và giải tỏa các vi phạm.
|
Lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền để người dân khắc phục những vi phạm lấn chiếm vỉa hè. |
Theo đó, để đảm bảo công tác giải tỏa có hiệu quả, ngay từ đầu tháng 11, các lực lượng đã tiến hành rà soát, thống kê các vi phạm trên các tuyến đường, phố thuộc địa bàn Thành phố.
Qua ra soát, lực lượng chức năng cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân có vi phạm lấn chiếm trái phép lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông, bày bán hàng hóa, tập kết vật tư, vật liệu xây dựng, dựng biển quảng cáo, dừng, đỗ xe trái quy định... gây mất mỹ quan đô thị cam kết tự giác tháo dỡ, di chuyển vi phạm.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền trên loa phát thanh các phường, xã cũng được đẩy mạnh. Sau giải tỏa, các lực lượng cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra, duy trì chống tái vi phạm.
Theo tìm hiểu, vi phạm chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh và trông giữ phương tiện giao thông là trái phép và đã có quy định xử lý cụ thể. Chẳng hạn, tại Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008 có ghi rõ, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Thực tế hiện nay vỉa hè hành cho người đi bộ đang bị lấn nghiêm nghiêm trọng. Nhiều biển hiệu kinh doanh được đặt ngay vị trí vốn dĩ phần đường dành cho người đi bộ, nhiều gánh hàng rong mọc lên tùy ý, tự do trên vỉa hè… Tất cả những hành vi đó đều bị nghiêm cấm và xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP với nhiều mức xử phạt hành chính.
Trong đó, với hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng sẽ bị phạt từ 100.000- 200.000 đồng.
Riêng hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10m2 đến dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân và từ 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt tiền nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.