Theo nội dung khởi kiện, ông Nguyễn Văn Hưng thông qua Hợp tác xã Dịch vụ thương mại (HTX DV TM) Hòa Bình đã đăng ký tài khoản và ký hợp đồng với Công ty Grab để chạy GrabCar từ tháng 1/2018.
Đến ngày 14/11/2018, Grab đã ngưng hoạt động vĩnh viễn đối với tài khoản của ông Hưng với lý do tài xế này nhiều lần vi phạm bộ quy tắc ứng xử (áp dụng với tất cả tài xế). Cụ thể, Grab cho rằng ông Hưng có tỷ lệ hủy cuốc 25,1%, vượt mốc 25% theo quy định.
Tài xế Nguyễn Văn Hưng tại phiên tòa.
|
Tuy nhiên, ông Hưng khẳng định: Từ 5/11/2018 đến 20 giờ 50 ngày 11/11/2018 (chuyến xe cuối trước khi bị khóa tài khoản), tỷ lệ hủy cuốc của ông được hiển thị trên ứng dụng là 24,6%, thấp hơn con số 25,1% từ phía Grab. Việc Grab khóa vĩnh viễn tài khoản khiến ông mất nguồn thu nhập.
Bên cạnh đó, phía nguyên đơn cho rằng, bộ quy tắc ứng xử của Grab đã vi phạm Luật giao thông đường bộ, mà theo đó tài xế có quyền từ chối vận chuyển khách trong một số trường hợp. Trong khi đó, Grab đưa tỷ lệ hủy cuốc xe làm căn cứ để khóa tài khoản của tài xế là không đúng với quy định pháp luật.
Cụ thể, điều này quy định nội dung thỏa thuận sửa đổi hợp đồng thì Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu và Điều 417 không được sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.
Theo đó, với mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, căn cứ vào Điều 123, Điều 130, Điều 407, Điều 360 BLDS; Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự, tài xế Hưng yêu cầu Grab phải bồi thường thiệt hại cho ông 6 tháng thu nhập với số tiền hơn 92,4 triệu đồng.
Đồng thời phải khôi phục tài khoản của ông trên ứng dụng Grab và đề nghị Grab phải cung cấp hóa đơn, chứng từ Grab đã thu và đóng hộ ông thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT.
Về việc này, đại diện Grab cho rằng hình ảnh mà ông Hưng cung cấp chưa có cơ sở để căn cứ là đúng hay sai và khẳng định tỉ lệ hủy cuốc 25,1% của ông Hưng được ghi nhận chính xác trên hệ thống phần mềm được lập trình sẵn của Grab và phần mềm này áp dụng đối với tất cả tài xế.
Phía Grab khẳng định, phần mềm của Grab không có ai can thiệp và đều là tự động. Dữ liệu tỷ lệ huỷ cuốc của ông Hưng vượt quá quy định nên tài xế bị cắt app là hoàn toàn chính xác. Việc màn hình điện thoại của tài xế hiển thị thế nào, Grab không thể quản lý và không biết.
Đại diện Grab cũng cho biết theo quy định, tài xế vi phạm tỉ lệ hủy cuốc lần thứ 3 sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn, tuy nhiên trường hợp ông Hưng đã vi phạm đến lần thứ 4.
Sau khi nghe phái nguyên đơn và bị đơn tranh luận, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” để các bên bổ sung tài liệu, chứng cứ cho Hội đồng xét xử giám định một cách chính xác theo đúng với quy định của pháp luật.
Hội đồng xét xử thông báo phiên toà sẽ được mở lại vào 8 giờ sáng ngày 12/1/2021.
Grab phải chịu sự quản lý công bằng như taxi truyền thống
Trước đó, ngày 10/3/2020, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab).
Căn cứ Bản án số 05/2020/KDTM-PT ngày 10/03/2020 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh và Bản án số 1910/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018 của TAND TP Hồ Chí Minh. TAND Cấp cao giữ nguyên phán quyết của cấp sơ thẩm, buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng và hơn 347 triệu đồng chi phí giám định cho Vinasun. Yêu cầu Grab phải thực hiện bồi thường trước ngày 13/6/2020.
TAND Cấp cao TP Hồ Chí Minh không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH Grab. Giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử với nội dung: Có đủ căn cứ để xác định, từ ngày 14/2/2014 đến nay, Công ty TNHH Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (taxi) nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
|