Xe khách chở 36 người lao xuống đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng: trách nhiệm pháp lý các bên liên quan?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cùng với việc xem xét trách nhiệm của tài xế, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ về tính kỹ thuật của phương tiện và xác định chiếc xe đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn an toàn để tham gia giao thông hay chưa?

Xe khach cho 36 nguoi lao xuong deo Bao Loc, tinh Lam Dong: trach nhiem phap ly cac ben lien quan? - Hinh anh 1
Hiện trường vụ xe khách chở 36 người lao xuống đèo Bảo Lộc. Ảnh: CTV

Giám định kỹ thuật để làm rõ nguyên nhân

Công an (CA) tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định tạm giữ hình sự ông Nguyễn Văn Lan (44 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước), là tài xế điều khiển xe khách chở 36 người lao xuống đèo Bảo Lộc (huyện Đạ Huoai) khiến 1 người chết và 3 người bị thương vào chiều 30/3. Cơ quan chức năng đã kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với lái xe Nguyễn Văn Lan và tài xế xe tải liên quan trong vụ việc. Kết quả cho thấy, cả 2 tài xế không vi phạm. Đồng thời, các đơn vị liên quan thực hiện giám định kỹ thuật để làm rõ xe khách có bị mất phanh trước thời điểm xảy ra sự cố, theo lời trình bày của tài xế xe khách.

Trước đó, chiều 30/3, tài xế Nguyễn Văn Lan điều khiển xe khách 45 chỗ chở 36 người lưu thông trên quốc lộ 20, theo hướng Đà Lạt đi Đồng Nai. Khi qua đèo Bảo Lộc, đoạn thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai), xe khách va chạm vào đuôi xe tải chạy cùng chiều phía trước do tài xế Nguyễn Trung Hiếu (48 tuổi, trú tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) điều khiển. Sau va chạm, xe khách đã lao qua phần đường bên trái và rơi xuống vực đèo có độ sâu khoảng 20 m.

Vụ tai nạn khiến hành khách N.T.N.T (26 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước) tử vong, 3 người khác bị thương nặng được đưa đi cấp cứu; hơn 30 người trong xe bị thương tích nhẹ, được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi xe khách an toàn.

Được biết, chuyến xe này chở cán bộ, nhân viên của một công ty ở Bình Phước lên thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng tham gia giải chạy marathon. Trên xe có 6 trẻ em, còn lại là người lớn. Khi xe chở đoàn khách trở về thì gặp tai nạn. Đến 2h ngày 31/3, lực lượng cứu hộ đưa được chiếc xe khách bị rơi xuống vực lên mặt đường và di chuyển về trụ sở công an để giám định, phục vụ công tác điều tra. Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận cả 2 phương tiện đều còn hạn đăng kiểm tại thời điểm xảy ra tai nạn. Hiện, cơ quan CA đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xác định trách nhiệm liên quan.

Nhận định của luật sư

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, bước đầu có thể nhận định một phần nguyên nhân vụ tai nạn đến từ việc tài xế đã không làm chủ tốc độ, còn chiếc xe bị mất phanh, dẫn tới va chạm và lao xuống vực. Tuy nhiên, đó mới là lời khai ban đầu, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục củng cố lời khai, dữ liệu hiện trường, thực nghiệm hiện trường và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác nhằm đánh giá chính xác nguyên nhân sự việc.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, trường hợp tài xế đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan tới việc kiểm tra chất lượng phương tiện trước khi lên xe; quá trình điều khiển phương tiện, người này tuân thủ quy định về tốc độ, làn đường; sự kiện xe mất phanh là tình huống bất ngờ, nằm ngoài ý chí chủ quan của tài xế và tài xế đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại nhưng vẫn xảy ra hậu quả chết người, đây có thể coi là trường hợp bất khả kháng. Nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng, người điều khiển phương tiện có thể được miễn trừ trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.

Trường hợp nếu kết quả xác minh cho thấy tài xế chưa kiểm tra, đảm bảo chất lượng phương tiện trước khi lưu thông dù biết trước, lường trước hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra; trong quá trình điều khiển đã không làm chủ tốc độ, không tuân thủ các nguyên tắc an toàn hay tại thời điểm xe mất phanh đã không áp dụng các biện pháp xử lý tốt nhất để giảm thiểu tối đa hậu quả, tài xế này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt có thể áp dụng là 3 - 10 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, trong trường hợp bị xác định có lỗi dẫn tới vụ tai nạn, tài xế có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm cho các nạn nhân. Mức bồi thường căn cứ các Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Về phía phương tiện, cần làm rõ phương tiện có đảm bảo chất lượng để lưu thông hay không; việc xe mất phanh có phải sự kiện bất ngờ, nằm ngoài ý chí chủ quan và sự kiểm soát của tài xế không và tại thời điểm phát hiện phương tiện mất phanh, vị trí của chiếc xe khách như thế nào, tài xế đã áp dụng biện pháp xử lý tốt nhất để hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra hay chưa.

Một vấn đề khác được nhiều quan tâm là chủ xe hoặc đơn vị quản lý có phải chịu trách nhiệm liên đới cùng tài xế hay không? Bình luận về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, theo Điều 262, Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, gây hậu quả chết người thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn”. Trường hợp gây hậu quả làm 2 người chết hoặc làm từ 2 người trở lên bị thương với tổng mức độ thương tật là 122-200%, mức phạt có thể áp dụng là 2 - 7 năm tù.

Thái An


Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h

https://portal.adbro.me/publishers/0fb2a970-b322-45d8-8ab2-530540d840b4/sites/57721325-de31-4891-b821-00d0d5d4883b/codes/