|
Lực lượng chức năng kiểm tra một xe vi phạm tại Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Huy |
Taxi cũng gom khách đường dài
Không quá khó để phát hiện xe khách trá hình, hoạt động trái phép. Thực tế, chỉ bằng vài thao tác, PV Báo Giao thông đã có thể đặt xe từ Huế đi Đà Nẵng trên trang Facebook “Xe đi ké Huế - Đà Nẵng” với giá 120 nghìn đồng.
Đúng hẹn, xe ô tô 7 chỗ BKS 75A-176.21 đón PV tại siêu thị Big C Huế, trên xe lúc này đã có sẵn 2 hành khách. Tài xế quay đầu một mạch về hướng hầm Hải Vân. Đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), tài xế đón thêm 2 khách trước khi vào địa phận Đà Nẵng. Suốt hành trình ra Huế, qua nhiều chốt CSGT, chiếc xe này vô tư vượt chốt mà không chịu bất kỳ sự tuần tra kiểm soát nào.
Tương tự, chiều 28/5, theo chân một khách nữ đặt vé trên chiếc xe BKS 75A-124.18, PV lại bắt đầu hành trình ngược trở lại từ Huế vào Đà Nẵng.
Dù được cấp phù hiệu xe taxi (logo “Miền Trung Taxi”), nhưng tổng đài này vô tư xác nhận đặt chỗ khách lẻ, không bật máy tính tiền. Lúc này, trên xe có một hành khách khác, mỗi người được ấn định mức giá 120.000 đồng/người. Nhưng lần này tài xế đã không gặp may. Sau khi chạy từ Huế qua hầm Hải Vân, gặp tổ liên ngành gồm TTGT, CSGT, CSTT Đà Nẵng, chiếc xe đã bị dừng kiểm tra.
Chánh thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa trực tiếp có mặt tại hiện trường, làm rõ lỗi vi phạm không sử dụng đồng hồ tình cước đối với loại hình taxi khi chở khách. Trích xuất dữ liệu qua trạm thu phí, trong khoảng 10 ngày gần đây, xe taxi BKS 75A-124.18 chạy quay đầu liên tục trên tuyến Huế - Đà Nẵng với tần suất trung bình 4 chuyến/ngày.
Trưa 29/5, xe ô tô 7 chỗ BKS 75A-152.99 vô tư đón 4 khách lẻ xuất phát từ Huế về phía Đà Nẵng. Dù qua nhiều khu vực TTKS của CSGT (Công an TP Huế), các đội, trạm CSGT thuộc Phòng CSGT Công an Thừa Thiên - Huế nhưng xe này không hề bị dừng kiểm tra. Chỉ đến khi qua hầm Hải Vân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ TTKS liên ngành Đà Nẵng kịp thời kiểm tra, làm rõ lỗi vi phạm loại hình xe hợp đồng của tài xế Nguyễn Văn M. (SN 1986, ngụ TP HCM). Dù xe có đăng ký kinh doanh vận tải nhưng nhà xe không dán phù hiệu lên xe hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Trước đó, theo chân tổ công tác Đội TTGT phụ trách quận Hải Châu (Đà Nẵng) TTKS trên các tuyến đường vùng nội đô ngày 25/5, PV ghi nhận nhiều hình thức biến tướng của loại xe vận tải khách, vào sâu trong nội thị đón trả khách.
Trong đó, 2 ô tô khách BSK 76B-001.58 (nhà xe Khiêm Dung), 76B-003.16, dù cấp tuyến cố định Quảng Ngãi - TP HCM nhưng chạy “vượt tuyến” ra tận Đà Nẵng để đón trả khách. Theo tường trình của tài xế Phạm Tài Ch., điều khiển xe BKS 76B-003.16, chủ xe đã giao cho ông chở 25 khách từ Quảng Ngãi ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Trưa cùng ngày, lực lượng TTGT Đà Nẵng phát hiện, xử lý xe ô tô BKS 76B-005.64 (nhà xe Phước Sương) ngang nhiên làm giả phù hiệu hợp đồng. Dù bị lập biên bản nhưng sau đó xe này vẫn tiếp tục đón khách trên tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi và bị TTGT Đà Nẵng lập biên bản khi đang hoạt động tại khu vực cổng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ngày 27/5.
Xe Huế, Quảng Ngãi vào Đà Nẵng tung hoành
Ghi nhận PV, xe hoạt động trá hình trên các tuyến miền Trung hầu hết mang BKS đầu số 75 (Thừa Thiên - Huế), 76 (Quảng Ngãi)… Chỉ riêng thống kê của Đội xe buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng, trên tuyến có đến khoảng 250 xe trá hình (núp bóng xe phù hiệu hợp đồng gom khách lẻ), xe chở khách chui. Trong đó, khoảng 90% là đầu số 75.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết: Sau khi kết thúc giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, hoạt động xe dù, bến cóc, xe trá hình có phần diễn biến phức tạp. Hiện, Đà Nẵng đã tái lập tổ tuần tra kiểm soát liên ngành gồm TTGT, CSGT, CSTT xử lý lưu động trên các trục đường trọng điểm, cửa ngõ ra vào Đà Nẵng.
TTGT Đà Nẵng cũng bố trí các tổ đội TTKS tại các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý ở những điểm nóng thường xuyên có tình trạng chở khách vào bệnh viện, trường học… “Các đối tượng kinh doanh vận tải trá hình này có rất nhiều chiêu trò, hoạt động mạnh ngoài giờ hành chính. Các tổ tuần tra kiểm soát cơ động đã liên tục phải làm ngoài giờ, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nhận diện, đấu tranh và xử lý”, ông Nghĩa thông tin.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng nhìn nhận, việc xử lý xe trá hình không đơn giản, mà phải đấu tranh, đấu trí bằng những bằng chứng thuyết phục vì loại hình này hoạt động ngày càng tinh vi. “Trong kế hoạch tổng kiểm tra phương tiện cơ giới đường bộ hiện nay, lực lượng CSGT phối hợp với TTGT kiểm tra, xử lý loại hình dịch vụ vận tải khách sai quy định, núp dưới danh nghĩa xe hợp đồng, khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Những ngày qua lực lượng liên ngành đã xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm”, Đại tá Phan Ngọc Truyền cho hay.
Phía Sở GTVT Đà Nẵng cũng khẳng định sẽ rút phù hiệu theo quy định với tất cả các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không nể nang. “Chúng tôi đang yêu cầu lực lượng chức năng làm việc các đơn vị vận tải, nhà xe vi phạm để tiến hành phạt nguội”, lãnh đạo Sở này khẳng định.
Có thế lực “chống lưng”?
Tập thể các đơn vị xe buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng và ngược lại vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đơn vị chức năng Thừa Thiên - Huế về vấn nạn bùng phát xe trá hình trên tuyến. Theo nội dung đơn thư, tình trạng xe trá hình biến tướng, diễn biến phức tạp, chủ yếu là đầu xe BKS 75 nhưng đến nay các biện pháp xử lý, ngăn chặn chưa kịp thời, quyết liệt, làm dấy lên lo ngại tình trạng có “chống lưng”, bảo kê.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT, Công an Thừa Thiên - Huế) cho biết, chưa nhận thông tin chỉ đạo liên quan đến đơn thư kiến nghị. Thời gian qua, công tác TTKS xe trá hình được đơn vị triển khai. Tuy nhiên, theo vị này thì “việc xử lý rất khó, phức tạp”.