Xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm: Nhóm bị cáo Bộ GTVT sai phạm gì?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - An ninh ngoài và trong phiên tòa sáng 14/12 được thắt chặt. Bị cáo Đinh La Thăng được đưa đến tòa từ rất sớm.

Cho người trúng thầu trả tiền 3 lần trái quy định
Sáng 14/12, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960), nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT); Nguyễn Hồng Trường (SN 1957), nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cùng 5 đồng phạm nguyên là cán bộ và lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long - PV) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với số tiền hơn 725 tỷ đồng xảy ra tại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Phiên tòa còn xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, SN 1971, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng), cùng 12 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Với nhóm bị cáo nguyên là Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GTVT, theo cáo trạng, các sai phạm nằm trong quá trình triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Đề án - PV); Xây dựng, phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá quyền thu phí sử dụng đường bộ (QTPSDĐB) là đường cao tốc.
Theo đó, sau khi bị cáo Đinh La Thăng ký văn bản về việc tiếp nhận Đề án và được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận. Với tư cách Bộ trưởng Bộ GTVT, trong quá trình triển khai thực hiện, bị cáo Thăng phân công các Thứ trưởng khác trực tiếp phụ trách, chỉ đạo cho đến tháng 9/2012 thì phân công bị cáo Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng trực tiếp phụ trách, chỉ đạo thực hiện Đề án cho đến khi hoàn thành việc bán đấu giá.
Sau khi được Bộ GTVT đồng ý để Tổng cục Đường bộ Việt Nam ủy thác nhiệm vụ chủ đầu tư chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc. Ngày 21/9/2012, bị cáo Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long ký văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam kèm theo Đề án. Trong đó, căn cứ Thông tư liên tịch 05/TTLT-BGTVT-BTC ngày 18/3/2004 của Bộ GTVT và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chuyển giao QTPSDĐB có thời hạn. Sau đó, bị cáo Nguyễn Hồng Trường kết luận nội dung: “...Thời gian thanh toán số tiền trúng thầu chuyển giao quyền thu phí chia làm 3 lần (trong 10 tháng), lần 1 bằng 40% giá trị trúng thầu, lần 2 bằng 30% giá trúng thầu và lần 3 thanh toán số còn lại...”.
Việc kết luận cho đơn vị trúng thầu thanh toán số tiền trúng thầu chia làm 3 lần, theo cáo trạng là trái quy định Thông tư liên tịch số 05/TTLT-BGTVT-BTC: “Đơn vị trúng thầu nhận QTPSDĐB phải trả tiền trúng thầu chuyển giao quyền thu phí đúng thời gian quy định. Trả lần thứ nhất ngay sau khi hợp đồng chuyển giao có hiệu lực (tối thiểu 50% giá trúng thầu), và trả lần thứ hai (trả hết) vào tháng thứ 6 kể từ khi trả lần thứ nhất”.
Không thành lập Hội đồng định giá tài sản
Ngoài sai phạm trên, trong quá trình lập Đề án, các bị cáo thuộc Bộ GTVT còn tự xây dựng giá khởi điểm, phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá mà không thành lập Hội đồng định giá tài sản theo quy định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ và Thông tư 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010.
Đối với QTPSDĐB đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (giai đoạn I) được bán khởi điểm hơn 2.004 tỷ đồng, thời hạn chuyển giao 5 năm (từ ngày 1/1/2014 đến hết ngày 31/12/2018). Hình thức chuyển giao là bán đấu giá công khai theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Trong quá trình tổ chức bán đấu giá cũng xảy ra sai phạm.
Cụ thể ngày 3/10/2013, bị cáo Đinh La Thăng ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá (HĐBĐG) quyền thu phí đường cao tốc gồm 7 thành viên, do bị cáo Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch Hội đồng. Trong số ủy viên có bị cáo Nguyễn Chí Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT) và bị cáo Minh. Đồng thời lập tổ thường trực giúp việc HĐBĐG với 7 thành viên do bị cáo Dương Thị Trâm Anh (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long) làm tổ trưởng, bị cáo Nguyễn Thu Trang (Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu Tổng Công ty Cửu Long) làm tổ phó, và các tổ viên trong đó có bị cáo Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính Bộ GTVT).
Ngày 8/10/2013, bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký quyết định 3106/QĐ-HDBDG quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ thường trực giúp việc có nhiệm vụ: “Kiểm tra, đánh giá và trình Hội đồng kết quả phê duyệt lựa chọn các tổ chức đủ điều kiện để tham gia đấu giá. HĐBĐG trực tiếp điều hành hoạt động của tổ thường trực”. Trên cơ sở quy chế bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc do Tổng Công ty Cửu Long xây dựng, bị cáo Cường tiếp tục cùng bị cáo Thành soạn thảo trình bị cáo Trường ký quyết định về việc ban hành quy chế bán đấu giá.
Không đủ năng lực, vẫn trúng đấu giá nhờ “quan hệ”
Từ ngày 9/10/2013 đến 2/11/2013, HĐBĐG niêm yết thông tin bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Sau đó có 6 đơn vị tham khảo hồ sơ, trong đó có Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Đối với bị cáo Hệ do được bị cáo Đinh La Thăng giới thiệu tiếp cận với Tổng Công ty Cửu Long từ tháng 2/2012, biết được giá bán QTPSDĐB đường cao tốc hơn 2.004 tỷ đồng, nên Hệ chỉ đạo 2 công ty của mình nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, 4 đơn vị còn lại không nộp hồ sơ.
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của 2 công ty nêu trên, tổ thường trực giúp việc do bị cáo Trâm Anh làm tổ trưởng biết Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ với ông Đinh La Thăng, và 2 công ty của Hệ do ông Thăng giới thiệu nên không kiểm tra năng lực tài chính của 2 công ty này. Thực tế 2 công ty của Hệ không có năng lực tài chính, kinh doanh thua lỗ. Công ty Yên Khánh năm 2011 lỗ 262,4 triệu đồng, năm 2012 lỗ 2,4 tỷ đồng. Còn Công ty Khánh An năm 2011 lỗ 69,5 triệu đồng...
Dù không tổ chức họp đánh giá hồ sơ tham dự đấu giá của 2 công ty trên, nhưng bị cáo Trâm Anh vẫn lập biên bản “khống” họp tổ thường trực để khẳng định hồ sơ đủ điều kiện tham gia. Sau đó HĐBĐG do bị cáo Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch đã không họp kiểm tra, rồi ký văn bản trình bị cáo Thăng để báo cáo.
Chưa kể, dù 2 công ty của Hệ chưa nộp khoản tiền đặt cọc để đảm bảo có căn cứ tổ chức buổi bán đấu giá. Nhưng ngày 14/11/2013, bị cáo Trường vẫn ký thông báo tổ chức phiên đấu giá (lần 1) và ký thông báo Công ty Yên Khánh và Khánh An nộp khoản tiền đặt trước cho HĐBĐG trước 15 giờ ngày 15/11/2013, đồng thời kỳ giấy ủy quyền cho bị cáo Minh thay mặt Chủ tịch HĐBĐG điều hành phiên đấu giá ngày 15/11/2013, tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc.
Vi phạm hợp đồng, vẫn được ưu ái
Sáng 15/11/2013, bị cáo Minh yêu cầu bị cáo Trâm Anh, Thu Trang kiểm tra lại các thủ tục để bán đấu giá và được báo cáo 2 công ty chưa nộp tiền đặt cọc theo quy định, bị cáo Trường chưa ký giấy mời 2 công ty này tham gia đấu giá. Sau đó bị cáo Trang làm theo chỉ đạo của bị cáo Minh là soạn thảo giấy mời để bị cáo Minh đóng dấu Tổng Công ty Cửu Long (theo quy định HĐBĐG chỉ được sử dụng con dấu Bộ GTVT) để mời Công ty Yên Khánh tham gia đầu giá, không mời Công ty Khánh An dù lúc này chưa biết công ty nào trong 2 công ty trên sẽ nộp khoản tiền đặt trước để tổ chức buổi bán đấu giá!
Đến chiều 15/11/2013, bị cáo Phạm Văn Diệt đại diện theo ủy quyền của bị cáo Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh) có mặt tại Tổng Công ty Cửu Long và trình khoản tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngày 13/11/2013 của Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô có giá trị 21 tỷ đồng. Dù chỉ có đại diện Công ty Yên Khánh, nhưng bị cáo Minh vẫn cho đấu giá và bị cáo Diệt trả giá 2.004 tỷ đồng bằng giá khởi điểm. Sau đó bị cáo Trang soạn thảo trình bị cáo Minh ký tờ trình gửi Bộ GTVT báo cáo diễn biến phiên bán đấu giá và đề nghị phê duyệt kết quả . Ngày 20/11/2013, bị cáo Cường và Thành soạn thảo để bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký quyết định phê duyệt kết quả Công ty Yên Khánh trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc với giá 2.004 tỷ. Khi ký ông Trường biết rõ tại phiên đấu giá chỉ duy nhất Công ty Yên Khánh tham gia, và quyết định này được gửi cho ông Thăng để báo cáo.
Cáo trạng xác định việc HĐBĐG tiến hành bán đấu giá, phê duyệt kết quả bán đấu giá là tài sản Nhà nước khi chỉ có 1 người tham gia là trái với Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Ngoài nhiều sai phạm nêu trên, cáo trạng còn chỉ ra sai phạm trong việc quản lý Hợp đồng bán QTPSDĐB là đường cao tốc. Đó là sửa các nội dung trong hợp đồng theo hướng có lợi cho Công ty Yên Khánh; Quy định công ty này phải thanh toán 3 lần tiền trong vòng 10 tháng (lần 1 hơn 801 tỷ, lần 2 hơn 601 tỷ và lần 3 hơn 601 tỷ đồng), nhưng phải qua 15 lần nộp, đến ngày 31/3/2017 (sau 42 tháng) mới thanh toán đủ số tiền 2.004 tỷ đồng.
Chiều nay, phiên tòa sẽ được tiếp tục đến hết ngày 25/12.

Tân Tiến

Tin liên quan