Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét phương án giảm ùn tắc đăng kiểm

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trước nguy cơ ùn tắc đăng kiểm, Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.

 

Theo Bộ GTVT, dù thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND các địa phương đã có hàng loạt giải pháp tình thế và căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm, tuy nhiên, theo dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại một số địa phương có thể sẽ vẫn tái diễn tình trạng ùn tắc vào quý III và quý IV.

 

Nguyên nhân do cả nước có 274/294 TTĐK với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động. Công suất kiểm định tối thiểu một tháng là 642.240 phương tiện. Tuy nhiên, việc phân bố mật độ của các trung tâm đăng kiểm không đồng đều. Tới đây, khi các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm tại các địa phương được đưa ra xét xử, khả năng 91 TTĐK tại 32 địa phương phải dừng hoạt động. Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn Trung tâm đăng kiểm để hoạt động như: Bắc Kạn và Thái Bình.

 

Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo các tỉnh có khả năng ùn tắc cao gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh và Trà Vinh....

 

Bo GTVT kien nghi Chinh phu xem xet phuong an giam un tac dang kiem - Hinh anh 1
 Dự báo có 36 trung tâm đăng kiểm có nguy cơ ùn tắc trong quý III và Quý IV năm 2024. 

 

Theo Bộ GTVT sự việc xảy ra trong thời gian qua đối với lĩnh vực đăng kiểm là chưa có tiền lệ, nhiều Trung tâm đăng kiểm đã bị dừng hoạt động trong khoảng thời gian dài liên tục (trên 12 tháng) từ nhiều nguyên nhân.

 

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành buộc phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và chỉ được xem xét cấp lại sau 36 tháng kể từ ngày bị thu hồi. Quá trình xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới có vướng mắc do tên Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có sự không đồng nhất.

Ngoài ra, thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định cũng cho thấy một số bất cập như: chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đối với việc thay đổi chủ sở hữu đơn vị đăng kiểm, thay đổi vị trí đơn vị đăng kiểm. Trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định. Điều kiện đối với lãnh đạo tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm cần được bổ sung để tránh các sai phạm có thể xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 30/2023 và Nghị định 139/2018 theo trình tự thủ tục rút gọn, đề xuất ban hành tháng 7/2024.

 

Việc này nhằm giúp hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới nhanh chóng đi vào ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu cấp thiết, chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, tránh tình trạng quá tải của các đơn vị đăng kiểm trong thời gian tới.

Tin liên quan