Bộ Tư pháp không đồng ý đổi tên các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, việc buộc các trung tâm dạy nghề phải thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ, tài liệu để đổi tên có thể dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã, đang tham gia đào tạo.

Ngày 23/2, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết đơn vị đã có kết luận kiểm tra công văn số 3033 ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bo Tu phap khong dong y doi ten cac Trung tam dao tao sat hach lai xe  - Hinh anh 1
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam từng có 2 văn bản kiến nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị không đổi tên và nhiều chi phí nếu đổi tên trung tâm đào tạo lái xe tuy nhiên không nhận được hồi âm. 

Theo đó, tại mục 3 Công văn nói trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu các cơ sở có tên gọi là "trung tâm dạy nghề, trung tâm đào tạo lái xe ô tô...", phải được rà soát, thực hiện đổi tên, bảo đảm tên gọi phải có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”. Tổng cục lý giải, thay đổi này dựa vào quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và quy định về giáo dục nghề nghiệp.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam từng có 2 văn bản kiến nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị không đổi tên và nhiều chi phí nếu đổi tên trung tâm đào tạo lái xe tuy nhiên không nhận được hồi âm.

Theo kết luận kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định "không có cơ sở pháp lý" để yêu cầu các trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo lái xe ô tô được thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định tại Luật dạy nghề năm 2006 và Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 phải thực hiện đổi tên có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp".

Về nội dung trong công văn 3033 nêu rằng: "Theo quy định tại khoản 2 điều 75 Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật dạy nghề số 76/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015. Vì vậy, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề không còn giá trị pháp lý...". Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định việc suy luận "kể từ ngày Luật dạy nghề năm 2006 hết hiệu lực thì giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề không còn giá trị pháp lý" là không có cơ sở.

Theo Cục kiểm tra văn bản, ngày 25/12/2015, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực kể từ ngày 10/2/2016) mới quy định về việc trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải có tên gọi bao gồm cấu phần “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”. Do đó, trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, chưa có quy định pháp luật bắt buộc về tên gọi đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, cũng không có cơ sở pháp lý để yêu cầu những trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập trước ngày 10/2/2016 phải đổi tên để bảo đảm tên gọi có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Cục kiểm tra văn bản kết luận Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT là văn bản hành chính, nhưng có chứa đựng nội dung mang tính quy phạm pháp luật là trái pháp luật, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, việc buộc các trung tâm dạy nghề phải thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ, tài liệu để đổi tên có thể dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã, đang tham gia đào tạo.

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẩn trương xử lý các nội dung không phù hợp trong Công văn 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thông báo kết quả xử lý cho Cục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận này.

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h