Nếu không giải quyết được những vấn đề này, những dự án ĐSĐT về sau sẽ luôn có nguy cơ chậm tiến độ.
Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, đối với dự án đầu tư xây dựng ĐSĐT, vấn đề đầu tiên vô cùng phức tạp là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng. Thực tế thời gian chuẩn bị đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia như ĐSĐT thường kéo dài trên 10 năm.
Từ lúc lập báo cáo đề xuất dự án đưa vào danh mục đầu tư cho đến khi được phê duyệt phải trải qua 64 bước đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; 52 bước đối với dự án sử dụng vốn ngân sách.
Ngoài ra còn phải lấy ý kiến, giải trình nhiều lần với cơ quan các cấp từ địa phương, Chính phủ, đến Quốc hội, dẫn đến không thể ấn định được thời gian, tiến độ trong quá trình tập hợp ý kiến. Đặc biệt khi dự án phải điều chỉnh thì trình tự, thủ tục hiện nay gần như tương tự với khi trình phê duyệt ban đầu.
Đối với dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, sau khi hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án, sẽ tiếp tục phải thực hiện quy trình điều chỉnh, sửa đổi các hiệp định vay, nghị định thư tài chính... thường mất thêm từ 12 - 18 tháng.
Một vấn đề khác rắc rối không kém là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất. Quy định cơ chế chính sách về giá đền bù, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hiện chưa phù hợp với thực tế và cơ chế chính sách của nhà tài trợ.
Cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không ổn định, thường xuyên thay đổi. Nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế và có nhiều cách hiểu khác nhau nên khó khăn trong áp dụng. Chính sách ban hành sau thường là có lợi hơn so với chính sách ban hành trước, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý bồi thường chuyển tiếp giữa chính sách cũ và chính sách mới.
Nhất là đối với các tuyến ĐSĐT có hạng mục thi công hầm, rất khó xác định chính xác phạm vi các hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời cũng chưa có quy định của pháp luật về chế độ, chính sách hỗ trợ, bồi thường đối với các đoạn đi ngầm. Công tác GPMB chỉ được thực hiện sau khi dự án được phê duyệt, trong khi đó thời gian thực hiện GPMB kéo dài dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án, phát sinh chi phí.
Bên cạnh đó, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư/thiết bị chuyên ngành về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam chưa đồng bộ và đầy đủ, có nhiều điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án.
Do đó, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội kiến nghị, cần xây dựng và thông qua các cơ chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá để giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp này. Tách GPMB thành những dự án riêng, do địa phương làm chủ đầu tư, chỉ triển khai các dự án ĐSĐT khi đã được bàn giao mặt bằng sạch. Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm bớt trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự án, có hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho ĐSĐT.
Bên cạnh đó cần nghiên cứu mô hình tổ chức có chức năng, nhiệm vụ quản lý tập trung từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư; xây dựng, nghiệm thu, chứng nhận đến vận hành, bảo dưỡng, và khai thác ĐSĐT. Có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm quản trị, thực hiện hiệu quả các dự án ĐSĐT quy mô lớn có sự tham gia của các tổ chức tư vấn, nhà thầu quốc tế.
Đặng Sơn