|
Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành từ 6/11/2021. |
Tuyến trợ giá
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, mạng lưới ĐSĐT trên địa bàn Thủ đô vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có 1 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng (tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông).
Qua 2 năm đi vào vận hành (từ ngày 6/11/2021), tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt.
Kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn văn minh, hiện đại và là giải pháp cơ bản để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong tương lai.
|
Giá vé cho tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông được Nhà nước trợ giá, khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. |
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng ĐSĐT là dịch vụ công ích.
Giá vé cho tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông được xây dựng với mục tiêu khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung, đường sắt đô thị nói riêng. Qua đó giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân.
Do đó, doanh thu từ bán vé không có khả năng bù đắp chi phí và được Nhà nước trợ giá.
Hơn nữa, theo UBND TP Hà Nội kết cấu đơn giá tạm thời vận hành đường sắt đô thị tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông (ban hành tại Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 9/5/2022 của UBND TP Hà Nội) không có khoản mục chi phí liên quan đến lãi vay trên tổng mức đầu tư của dự án tuyến đường sắt. Do vậy kinh phí trợ giá không có các khoản vay nêu trên.
Đầu tư thu hút người dân
Đi vào vận hành từ cuối năm 2021, ĐSĐT tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông dài 13,05 km, có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2016, tổng vốn đầu tư dự án tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD).
Tàu được thiết kế với tốc độ khai thác là 35km/h. Cùng với đó, thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút.
Vào khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.
Hiện, hành khách đi tàu có 3 hình thức mua vé: vé lượt, vé ngày, vé tháng. Cụ thể: Giá vé chặng là 8.000 - 15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1km cộng thêm 600 đồng.
Giá vé ngày là 30.000 đồng, giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người và giá áp dụng với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng. Người già và trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí vé đi tàu.
|
Thu hút các nguồn lực nhằm phát tạo đột phá trong phát triển ĐSĐT. |
Về việc phát triển các tuyến ĐSĐT mới tới đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay, Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội đang chủ trì tham mưu cho UBND TP xây dựng đề án tổng thể hệ thống ĐSĐT Thủ đô theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Trong đề án có đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đầu tư phát triển cũng như tăng cường hấp dẫn, thu hút người dân tham gia vận tải hành khách bằng đường sắt đô thị.
Ngày 28/6/2024 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 điều chỉnh và bổ sung thêm nhiều chính sách đột phá mạnh mẽ cho TP Hà Nội. Trong đó ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, tạo đột phá trong phát triển ĐSĐT.
Đặc biệt Luật Thủ đô cho phép đầu tư phát triển ĐSĐT tại Hà Nội theo mô hình định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (TOD). Đây là mô hình phổ biến ở các nước trong khu vực và các nước phát triển, bảo đảm hiện đại, đồng bộ bền vững.
Trong khu vực TOD, TP được thực hiện chính sách sử dụng nguồn tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng ĐSĐT, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với vận tải hành khách công cộng.