Lượng khách vào bến xe giảm mạnh: Nguyên nhân vì đâu?

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chiều 24/4, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm "Vì sao khách chưa quay trở lại bến xe?" để nêu lên những bất cập khiến lượng hành khách vào bến xe giảm mạnh, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Tại tọa đàm "Vì sao khách chưa quay trở lại bến xe?" do Báo Giao thông tổ chức, các chuyên gia và doanh nghiệp quản lý bến xe đã nêu lên nhiều bất cập khiến lượng hành khách vào bến giảm mạnh, cùng đó, hàng loạt đơn vị vận tải tuyến cố định thông báo cắt lốt, ngừng hoạt động.

 

Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2023, hoạt động vận tải tại các bến xe trên cả nước nói chung và tại những bến xe của Công ty CP Bến xe Hà Nội nói riêng như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm gặp nhiều biến động. Lượng hành khách của các bến bị ảnh hưởng trầm trọng. Số lượng giảm trên toàn Công ty CP Bến xe Hà Nội là 52%; trong đó Bến xe Gia Lâm giảm gần 70%. 


Đối với bến xe Nước Ngầm, trước dịch Covid-19, ngày thường bến xe đón khoảng 600 - 700 lượt xe, nhưng nay chỉ còn 250 - 300 lượt xe/ngày, tỷ lệ giảm hơn 50%.


Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cho rằng: “Số lượng xe hợp đồng gia tăng hàng chục nghìn xe so với tuyến cố định. Chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến cũng đang cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định”. 

Luong khach vao ben xe giam manh: Nguyen nhan vi dau? - Hinh anh 1
Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát biểu tại toạ đàm.

Trong khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao, nhiều người ưa chuộng các hình thức vận tải thuận tiện, đón khách tận nơi như xe ghép, xe hợp đồng trá hình. Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ xe hợp đồng, xe dù bến cóc, nếu không may gặp vấn đề rủi ro, sẽ không có đơn vị nào chịu trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi khách hàng.


Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp chia sẻ: "Hiện đã có nhiều quy định về việc các xe hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình, phải gửi hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi tới cơ quan chức năng để cơ quan quản lý giám sát. Chúng ta đang thực hiện những quy định này, song doanh nghiệp tìm nhiều cách né tránh".

Luong khach vao ben xe giam manh: Nguyen nhan vi dau? - Hinh anh 2
Ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phát biểu tại toạ đàm.

Ông Nguyễn Công Hùng cho hay, chúng ta đã ban hành nhiều quy định như luật từ giao thông, thuế, luật doanh nghiệp nhưng vẫn không quản lý được. Do đó, cần tập trung quản lý chặt, giao trách nhiệm xuống chính quyền địa phương vì chỉ có họ mới biết trên địa bàn mình có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động để xử lý.

Luong khach vao ben xe giam manh: Nguyen nhan vi dau? - Hinh anh 3
 Thiếu tá Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đặc biệt kiến nghị tăng cường xử lý các vi phạm vận tải hành khách qua hình ảnh, phát động người dân cung cấp thông tin hình ảnh cho lực lượng chức năng. 


“Hiện nay hệ thống camera còn hạn chế và việc đầu tư rất tốn kém, cần thời gian. Thông qua giám sát của người dân sẽ nhanh chóng xác minh, xử lý vi phạm trong vận tải hành khách, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông” - thiếu tá Trần Anh Tuấn cho biết.


Về lý do các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà vào bến, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho rằng, trong bến có nhiều điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng như của hành khách.

Luong khach vao ben xe giam manh: Nguyen nhan vi dau? - Hinh anh 4
 Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.

Việc tổ chức, kết nối giao thông chưa phù hợp, thuận tiện với mục tiêu đi lại của hành khách nên nhiều người dân không đi xe trong bến. Cùng với đó, hiện vẫn còn rất nhiều xe trong bến theo lề lối cũ, xe cũ đưa vào tuyến cố định.


"Cần phải nhìn nhận thẳng thắn chất lượng của các xe tuyến cố định đã đáp ứng được nhu cầu người dân hay chưa?" - bà Phan Thị Thu Hiền nói.


Thời gian qua, các bến xe đã có nhiều giải pháp phát triển chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các bên liên quan, lực lượng chức năng, bến xe, nhà xe và người dân để nâng cao chất lượng vận tải hành khách, đưa người dân trở lại với bến xe.


Tin liên quan