Nguy cơ mất an toàn giao thông
Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), việc đảm bảo hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng.
Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Lai Châu, hiện nay, quốc lộ 4H dài 169,6km (điểm đầu tại xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, điểm cuối xã Mù Cả, huyện Mường Tè) có đoạn mới đạt tiêu chuẩn cấp VI, V miền núi. Nhiều đoạn đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là các phương tiện có tải trọng lớn.
Cử tri tỉnh Bắc Giang cũng phản ánh, quốc lộ 34 và quốc lộ 280 đoạn qua địa bàn huyện Bắc Mê xuống cấp, có nhiều điểm cua che khuất tầm nhìn. Địa phương mong muốn được sửa chữa để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ để sớm thoát huyện nghèo, đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, tuyến quốc lộ 217 và quốc lộ 45 trên bàn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đi qua khu vực đông dân cư, hiện trạng mặt đường cũng xuất hiện tình trạng rạn nứt, lún lõm, đọng nước khi trời mưa.
Tuyến quốc lộ 48D trên địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, nhất là đoạn từ Châu Thôn - Tân Xuân qua xã Cắm Muộn cũng xuống cấp nghiêm trọng. Địa phương đề nghị cải tạo, nâng cấp, mở rộng đoạn từ cầu treo bản Phả Pạt vào mùa mưa, nước chảy từ vách núi tràn xuống đường người dân đi lại rất nguy hiểm.
Cử tri huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng phản ánh việc thi công nâng cấp quốc lộ 7A qua địa bàn xã Diễn Cát triển khai đã 2 năm nhưng chưa xong, gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân và đoạn đường này thường xuyên xảy ra tai nạn.
Quốc lộ 10 đoạn đi qua địa phận TP Uông Bí có chiều dài khoảng 6km lòng đường nhỏ hẹp, lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn, gây ùn ứ vào giờ cao điểm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị nâng cấp sửa chữa để đồng bộ với tuyến qua TP Hải Phòng.
Tuyến đường Nguyễn Văn Linh thuộc quốc lộ 91B trên địa bàn TP Cần Thơ cũng quá hẹp so với lưu lượng xe lưu thông, nhất là giờ cao điểm dễ gây ùn tắc, mất an toàn.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, mặc dù những năm qua, công tác duy tu, bảo trì các tuyến đường quốc lộ hiện hữu được Bộ GTVT và các địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại bất cập tại một số tuyến đường cần sớm được khắc phục.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng góp ý, việc rà soát, đầu tư cải tạo các tuyến quốc lộ xuống cấp là cần thiết, Bộ GTVT cần sớm bố trí vốn cải tạo để bảo đảm chất lượng và ATGT trên các tuyến quốc lộ.
Thống nhất về sự cần thiết đầu tư
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ GTVT cho biết, với quốc lộ 217, Bộ GTVT đã chấp thuận sửa chữa nhiều hạng mục trong kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2024. Công trình đã khởi công từ ngày 4/5/2024 và dự kiến hoàn thành trong tháng 9 tới.
Tương tự, với quốc lộ 45 đã thực hiện sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, sửa chữa rãnh dọc một số đoạn tuyến. Công trình khởi công vào tháng 7/2024, dự kiến hoàn thành vào cuối năm.
Tuy nhiên, với các quốc lộ còn lại, Bộ GTVT thống nhất về sự cần thiết đầu tư các tuyến đường này nhưng do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, việc đầu tư cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Với quốc lộ 4H tại Hà Giang, Bộ GTVT cho biết đang thực hiện đầu tư dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, dự kiến hoàn thành năm 2025; đang chuẩn bị đầu tư công trình hầm Khau Co và cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 4D, quốc lộ 12 kết nối thành phố Lai Châu đến cửa khẩu Ma Lù Thàng, quốc lộ 34; quốc lộ 280…
Các tuyến quốc lộ nêu trên nhằm kết nối tỉnh Hà Giang với Cao Bằng và Tuyên Quang để đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch các tỉnh nhưng do khó khăn về nguồn lực nên Bộ GTVT chưa thể bố trí vốn để đầu tư quốc lộ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tương tự, quốc lộ 48D đoạn qua tỉnh Nghệ An, quốc lộ 10 qua Quảng Ninh do khó khăn về vốn nên Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục duy tu, sửa chữa nhằm bảo đảm khai thác an toàn và tạo thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân.
Đối với đề nghị đầu tư nâng cấp đường Nguyễn Văn Linh tại TP Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quốc lộ 91B kết nối với quốc lộ 1 có đoạn đi trùng đường Nguyễn Văn Linh dài khoảng 15,8 lkm.
Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 3 tuyến quốc lộ 53, 62, 91B. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai các bước tiếp theo để sớm đầu tư đoạn tuyến này trong dự án.
Về dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án khởi công tháng 10/2022 theo kế hoạch sẽ hoàn thành tháng 12/2023.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công nhiều đoạn tuyến qua khu vực đông dân cư chưa giải phóng được mặt bằng, vì vậy dự án đã không hoàn thành đúng tiến độ. Chủ đầu tư đã xin gia hạn hoàn thành các gói thầu chậm nhất đến hết tháng 11/2024.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết triệt để những vướng mắc nhằm sớm nâng cấp các tuyến đường quốc lộ hiện hữu, tuy nhiên theo Bộ GTVT, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, trước mắt Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa các tuyến quốc lộ nêu trên để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực.
“Trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, nguyên tắc bố trí vốn theo quy định, Bộ GTVT sẽ xem xét để sớm đầu tư các quốc lộ này vào thời điểm phù hợp” – văn bản trả lời cử tri Bộ GTVT nêu rõ.
Huyền Sâm