|
Ảnh minh họa |
Bộ Công an cho biết, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số khó khăn, bất cập, chưa đảm bảo, phù hợp với các luật liên quan.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm phục vụ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ thủ tục không cần thiết và cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng xác thực, chia sẻ trong giải quyết thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ…
Trên cơ sở tiếp tục kế thừa các chính sách hiện hành, Bộ Công an đề xuất 5 chính sách tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Chính sách 1: Cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Chính sách 2: Bổ sung ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt vào khái niệm công cụ hỗ trợ.
Chính sách 3: Cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng; cho phép mua bán, trao đổi, cho, tặng, phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm.
Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung Điều 21, 26 và 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng, chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.
Chính sách 5: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kính tế-xã hội.
Về việc bổ sung ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt vào khái niệm công cụ hỗ trợ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an cho rằng, điều này nhằm tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng trong quá trình quản lý, sử dụng phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm.
Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt phục vụ khống chế, làm giảm khả năng kháng cự của đối tượng, đảm bảo an toàn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ trong quá trình thẩm vấn những đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm…
Bên cạnh đó, điều này cũng không làm phát sinh biên chế, tổ chức để đăng ký, cấp phép.
Bộ Công an kiến nghị lựa chọn giải pháp bổ sung ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt vào khái niệm công cụ hỗ trợ trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để bảo đảm việc quản lý, sử dụng ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt chặt chẽ, hiệu quả.
Việc ban hành chính sách này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải được quy định, điều chỉnh tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.