Tiết kiệm thời gian, chi phí
Theo Điều 10, Thông tư 72/2024/TT-BCA về quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ mới được Bộ Công an ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, nếu xác định người lái xe không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật, thì xe phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người lái xe. Nghiêm cấm việc giữ xe của các bên liên quan đến vụ TNGT để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.
Để tránh việc kéo dài thời gian giữ phương tiện, Điều 15 Thông tư này cũng quy định rõ, trong quá trình điều tra, xác minh vụ tai nạn, nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết cho việc điều tra, xác minh, giải quyết, thì tổ chức dựng lại hiện trường vụ việc để điều tra gồm: Xác định lại vị trí người bị nạn, tang vật, phương tiện, dấu vết để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ tai nạn; đo và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu; người tham gia dựng lại hiện trường ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản và sơ đồ…
Đối với những vụ TNGT đường bộ không có dấu hiệu tội phạm, nhận được tin báo về vụ TNGT đường bộ thì CSGT phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm hoặc phải thông qua giám định chuyên môn thì có thể được kéo dài nhưng không quá 1 tháng kể từ ngày nhận được tin báo.
Trường hợp cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì tiếp tục được kéo dài, thời hạn kéo dài không quá 2 tháng kể từ ngày nhận được tin báo. Việc kéo dài phải được báo cáo bằng văn bản với người có thẩm quyền.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện một đơn vị cho thuê xe tự lái tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, rất ủng hộ quy định mới vì giúp giải quyết nhanh chóng hơn các vụ việc liên quan đến rủi ro TNGT.
Trước đây công ty cũng từng có việc cho thuê xe tự lái, người điều khiển xe không may xảy ra va chạm. Do liên quan đến vụ việc nên chiếc xe của DN này vẫn bị tạm giữ trong thời gian dài điều tra. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của đơn vị mà còn phát sinh thêm các chi phí đi lại, trông giữ phương tiện…mà DN chẳng biết kêu ai.
Anh Nguyễn Vũ Linh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho rằng, quy định mới về việc kết thúc khám nghiệm TNGT nếu lái xe không có lỗi sẽ được trả ngay phương tiện là hợp lý vì trước đây cứ tai nạn là giữ xe cả hai bên, thời gian xử lý tai nạn có thể kéo dài nhiều ngày sẽ dẫn đến việc người dân hoặc DN phải đi lại nhiều lần. Do đó, có những trường hợp người dân ngại phiền, ngại bị giữ xe nên tự tìm cách giải quyết khi không may xảy ra va chạm.
Hợp lý, hợp tình
Liên quan đến nội dung trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho rằng, quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ, bổ sung quy định mới khi kết thúc khám nghiệm TNGT, nếu lái xe không có lỗi sẽ được trả ngay phương tiện là rất hợp lý, hợp tình.
Bởi cứ liên quan đến tai nạn mà bị giữ xe sẽ khiến cho tất cả những người liên quan đến vụ việc hoang mang do mất phương tiện đi lại, làm ăn. Từ đó có thể nảy sinh tư tưởng xin xỏ, chạy chọt để không bị giữ xe, làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Bên cạnh đó, giữ cả xe của người không có lỗi trong tai nạn cũng sẽ khiến số lượng phương tiện tại các bãi trông giữ tăng lên, kéo theo các chi phí phát sinh như cẩu kéo, lưu xe, tiềm ẩn các nguy cơ về cháy nổ. Mặt khác, phương tiện bị hư hỏng do tai nạn không được khắc phục kịp thời, lại phơi nắng mưa nhiều ngày sẽ gây hư hỏng tài sản của người dân.
Hơn nữa, liên quan đến thời gian xử lý quy định về tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm giao thông, Điều 17 của Thông tư 73/2024/TT-BCA mới ban hành cũng quy định: khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lực lượng CSGT phải thông báo cho người vi phạm và những người liên quan có mặt tại đó biết.
Sau đó, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong 24 giờ kể từ khi lập biên bản, cán bộ CSGT lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ.
Đối với tang vật tạm giữ là hàng hóa dễ hư hỏng, cán bộ CSGT phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ, cán bộ CSGT phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho chủ sở hữu.
Các chuyên gia cho rằng, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Trật tự ATGT đường bộ và Luật Đường bộ 2024 đi kèm với các thông tư hướng dẫn thực hiện được Bộ Công an ban hành có nhiều đổi mới với những quy định chi tiết, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm phù hợp với tình hình thực tiễn và giúp tháo gỡ nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Qua đó, giúp việc thực thi luật pháp được tốt hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân trong chấp hành quy định về giao thông.
Huyền Sâm