Người điều khiển xe tham gia giao thông có được lắp thêm đèn trợ sáng không?

HỒNG MINH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Người điều khiển xe tham gia giao thông có hành vi lắp thêm đèn trợ sáng phía trước xe thì bị xử lý như thế nào?

Nguoi dieu khien xe tham gia giao thong co duoc lap them den tro sang khong? - Hinh anh 1
 Đèn trợ sáng. Ảnh minh hoạ.

Người điều khiển xe khi tham gia giao thông có được lắp thêm đèn trợ sáng không?

Căn cứ quy định tại khoản 5, khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.

Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Theo đó, không được thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định, không lắp đặt, sử dụng đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới.

Như vậy, người điều khiển xe ô tô, xe máy và các loại xe cơ giới khác khi tham gia giao thông không được gắn thêm đèn trợ sáng không đúng thiết kế của nhà sản xuất.

Hành vi điều khiển xe ô tô lắp thêm đèn trợ sáng thì tài xế bị xử lý như thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe;

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3; khoản 4; khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3, điểm d khoản 4 Điều này bị tịch thu đèn lắp thêm, còi vượt quá âm lượng;

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm d khoản 3 Điều này buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định, tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định.”

Như vậy, đối xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô khi lắp thêm đèn trợ sáng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng, bị tịch thu đèn lắp thêm và buộc phải khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định, tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định.

Người điều khiển xe máy có hành vi lắp thêm đèn trợ sáng phía trước xe thì bị xử lý như thế nào?

Căn cứ vào điểm e, điểm h khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;

Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.

Theo đó, trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế; hoặc điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

 

Tin liên quan