Nhiều đề xuất mới về tiêu chuẩn sức khoẻ, khám sức khoẻ lái xe

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô. Trong đó có một số nội dung mới đáng chú ý.

Đề xuất giấy khám sức khỏe lái xe có giá trị sử dụng trong vòng 12 tháng

 

Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô dự kiến áp dụng đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, người sử dụng lao động lái xe ô tô, các cơ sở y tế khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Về nguyên tắc chung, dự thảo nêu rõ việc khám sức khỏe cho người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh".

 

Về phạm vi và đối tượng áp dụng so với Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, dự thảo Thông tư bổ sung tiêu chuẩn của người điều khiển xe máy chuyên dùng; bỏ quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe do đã được quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.

 

Theo đó, việc khám sức khỏe cho người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải thực hiện theo tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại Phụ lục số 1 "Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng" ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Việc khám sức khỏe định kỳ chỉ áp dụng đối với người lái xe ô tô chuyên nghiệp (người làm nghề lái xe ô tô) theo quy định của pháp luật về lao động.

 

Trong dự thảo, Bộ Y tế đang đề xuất nâng thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe đối với người lái xe lên 12 tháng thay vì 6 tháng như quy định hiện hành.

 

Đề xuất bỏ nội dung bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn và ma túy khi khám sức khoẻ

 

Dự thảo Thông tư nêu rõ quy trình khám sức khỏe người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được thực hiện theo quy định tại Điều 35 Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ Y tế "Quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh".

 

Nhieu de xuat moi ve tieu chuan suc khoe, kham suc khoe lai xe - Hinh anh 1
 Ảnh minh hoạ

 

Mẫu Giấy khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng áp dụng thống nhất theo quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

 

So với Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, tại Phụ lục số 2, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung tên mẫu giấy; bỏ nội dung bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy; đồng thời sửa đổi, bổ sung thời hạn của giấy khám sức khỏe có giá trị sử dụng trong vòng 12 tháng (quy định hiện hành là 6 tháng) kể từ ngày ký kết luận.

 

Người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh

 

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.

 

Đồng thời tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe. Phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn.

 

Người làm nghề lái xe ô tô phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc của người sử dụng lao động.

Tin liên quan