|
Hàng vạn Giấy phép lái xe tồn đọng chờ ngày xử lý |
Hàng trăm bộ hồ sơ còn "tồn đọng" tại Phòng CSGT Nghệ An
Thống kê chưa đầy đủ của Cục CSGT (Bộ Công an): Hiện tại các Đội CSGT của nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn đang tồn đọng hàng vạn biên bản xử phạt vi phạm hành chính, kèm theo GPLX của người vi phạm đã quá hạn xử lý. Điều đáng nói, trong số những trường hợp này, có vi phạm đã bị lập biên bản nhiều năm nay, nhưng người bị lập biên bản vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình.
Điển hình như Phòng CSGT, Công an tỉnh Nghệ An, hiện đội xử lý thuộc Phòng CSGT đang tồn đọng hàng trăm bộ hồ sơ vi phạm bị bỏ lại từ 5 năm trở lại đây, đăng ký xe, giấy kiểm chứng nhận kiểm định phương tiện và đặc biệt chủ yếu là GPLX là những loại giấy tờ còn đang chờ ngày xử lý, mặc dù có những biên bản đã bị lập cách đây 5 năm.
|
Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An |
Theo Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng CSGT, Công an tỉnh Nghệ An, thì hiện nay đơn vị đang tồn đọng gần 600 bộ hồ sơ vi phạm từ năm 2014 đến nay, mặc dù trong quá trình xử lý, phòng CSGT đã gửi thông báo đến các đơn vị có liên quan để thông báo đến người vi phạm yêu cầu đến xử lý theo đúng quy định pháp luật nhưng đều “bặt vô âm tín”.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: GPLX hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến phương tiện cho đến khi cá nhân đó chấp hành xong quyết định xử phạt.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, cá nhân bị xử phạt phải nộp tiền phạt. Nếu quá thời hạn sẽ bị cưỡng chế thi hành và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Đâu là nguyên nhân
Quá trình khảo sát tại Nghệ An, chúng tôi được biết: Hiện trên địa bàn có 9 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, 10 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và 13 cơ sở liên kết đào tạo lái xe mô tô, các trung tâm thuộc các cơ sở đào tạo mô tô các huyện. Bên cạnh đó, do hệ thống dữ liệu về xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của các tỉnh, thành chưa được hoàn thiện, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi xác minh thông tin mất nhiều thời gian…
Do đó, trong khoảng thời gian quy định, việc cấp GPLX cho các trường hợp đang bị tạm giữ GPLX là điều khó tránh khỏi, dẫn tới tình trạng người vi phạm cố tình không thực hiện nghĩa vụ hoặc sử dụng GPLX thứ hai, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình TTATGT và tình trạng tồn đọng GPLX, gây khó khăn trong công tác xử lý của đơn vị chức năng.
|
Đại úy Phạm Thanh Hà, cán bộ đội xử lý, Phòng CSGT Nghệ An |
Theo Đại úy Phạm Thanh Hà, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do, trong số những hành vi bị lập biên bản xử lý có những trường hợp mức xử phạt cao hơn rất nhiều so với chi phí cấp lại, cấp mới GPLX. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin với hệ thống phần mềm quản lý, góp phần giảm thiểu những bất cập trong quá trình cấp mới, đổi trả GPLX còn hạn chế, nên nhiều trường hợp thay vì đến nộp phạt, nhận lại GPLX theo quy định đã xin học lại để được cấp GPLX mới.
Để công tác xử lý được hiệu quả hơn, thiết nghĩ cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định liên quan để thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đưa vào áp dụng quản lý số định danh cá nhân. Cơ quan chức năng cần siết chặt lại khâu tổ chức thi, sát hạch, cấp GPLX tại tất cả các cơ sở, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm TTATGT trên toàn quốc. Tiếp tục xây dựng hệ thống phần mềm kết nối dữ liệu giữa cơ quan xử lý vi phạm giao thông với cơ quan cấp GPLX để phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm cố tình không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm.