Thông tư mới áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Thông tư được ban hành kèm theo Định mức bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phần đường, ghi, cầu, cống, hầm và kiến trúc; Định mức bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia phần thông tin tín hiệu; Định mức các hao phí làm cơ sở xác định giá ca máy, thiết bị thi công phục vụ công tác bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Thông tư quy định rõ, bảo dưỡng công trình đường sắt là hoạt động theo dõi, chăm sóc, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình, được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì công trình ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh các hư hỏng công trình.
Bảo dưỡng hệ thống thông tin đường sắt là các hoạt động theo dõi, chăm sóc, sửa chữa, thay thế các trang thiết bị trong hệ thống thông tin tín hiệu phục vụ trong ngành đường sắt, được tiến hành thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất để duy trì hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh các hư hỏng trong hệ thống.
Định mức bảo dưỡng hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt bao gồm: Mức hao phí vật liệu; Mức hao phí lao động; Mức tiêu thụ điện năng. Làm cơ sở để lập đơn giá, dự toán chi phí bảo trì, lập kế hoạch bảo dưỡng hàng năm hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.
Định mức các hao phí ca máy, thiết bị bảo dưỡng công trình đường sắt quốc gia quy định hao phí cần thiết cho một ca làm việc và một đơn vị khối lượng công trình đường sắt của các loại máy và thiết bị chuyên dụng bảo dưỡng công trình đường sắt.
Định mức các hao phí xác định giá ca máy gồm: định mức khấu hao, sửa chữa, tiêu hao nhiên liệu - năng lượng, nhân công điều khiển và định mức chi phí khác.
Trước đó, Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ GTVT xem xét, ban hành Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Theo cơ quan này, việc lập và quản lý chi phí, quản lý giá trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trên cơ sở các bộ định mức đã được Bộ GTVT ban hành theo các quyết định và cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, cần thể chế hóa bộ định mức bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đang sử dụng bằng thông tư, có hiệu lực bắt buộc chung, đảm bảo đồng bộ theo đúng quy định của pháp luật, làm cơ sở lập, phê duyệt dự toán và giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.