Quy định mới về giấy phép lái xe: Phù hợp với xu thế chung

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Những ngày qua, nhiều người lo lắng về trước quy định mới về giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1. Theo quy định của luật, từ ngày 1/1/2025, GPLX hạng B1 sẽ chỉ được cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.

GPLX hạng B1 được cấp trước năm 2025 vẫn được điều khiển xe ô tô số tự động như bình thường.

Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các hạng GPLX đã có một số thay đổi. Đáng chú ý, với GPLX hạng B1 theo luật hiện hành được phân hạng cho người không hành nghề lái xe, lái các loại xe ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ tính cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.

Quy dinh moi ve giay phep lai xe: Phu hop voi xu the chung - Hinh anh 1
 Từ ngày 1/1/2025, GPLX hạng B1 sẽ chỉ được cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.

Theo quy định mới về phân hạng GPLX tại khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, GPLX hạng B1 không được lái xe ô tô. Cụ thể, GPLX hạng B1 sẽ được cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1. Thay vào đó, luật mới quy định hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg.

Cũng từ 1/1/2025, GPLX hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được lái xe ô tô số tự động. Với bằng lái xe hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang bằng lái xe hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người lái máy kéo có trọng tải đến 3.500kg.

Luật mới cũng quy định GPLX được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên bằng lái. GPLX được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành nếu chưa thực hiện đổi, cấp lại theo quy định của luật này có hiệu lực sử dụng như sau: GPLX hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe được tiếp tục lái xe ô tô số tự động chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải dưới 3.500kg; GPLX hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe được tiếp tục lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg.

Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, người dân hoàn toàn có thể làm thủ tục đổi, cấp lại GPLX theo chuẩn mới. Trên GPLX mới sẽ ghi rõ chủng loại phương tiện điều khiển phù hợp với GPLX cũ, chứ không "tự động" được điều khiển các phương tiện khác có cùng loại GPLX theo quy định mới.

Về cơ bản, đây là một trong những thay đổi về hình thức phân hạng bằng lái xe. Theo quy định hiện hành, bằng lái có 13 hạng khác nhau, còn theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 mới được thông qua vào cuối tháng 6 vừa qua, có 15 hạng bằng lái.

Hệ thống GPLX theo quy định mới không phân biệt GPLX hạng B dành cho người hành nghề lái xe, cũng như không phân biệt xe sử dụng hộp số sàn hay số tự động. Sau ngày 1/1/2025, người dân thi bằng lái xe ô tô sẽ không được đăng ký thi bằng B1 để lái xe số tự động như hiện nay mà buộc phải đăng ký hạng B, C1, C, D1, D2, D…

Theo lý giải của nhiều chuyên gia, việc gộp hạng GPLX là phù hợp với xu thế chung của thế giới, tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên Công ước Viên năm 1968, không mất chi phí đổi, học để được cấp GPLX, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế; đồng thời phát triển đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện trong nước và quốc tế do có sự đồng bộ về phân hạng phương tiện và GPLX.

Phạm Công

Tin liên quan