Phù hợp với cơ chế thị trường
Điều 42, Luật Đường bộ vừa được thông qua quy định: nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước bao gồm:
Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô;
Phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác;
Nguồn thu của Nhà nước liên quan đến khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, nguồn thu từ khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trước đây, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định, trong phạm vi đất dành cho đường bộ được bố trí một số công trình thiết yếu như: Công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí… nhưng luật chưa quy định các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh này phải nộp phí cho Nhà nước.
Như vậy, việc quy định thu phí sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung với đường bộ là điểm mới trong Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
|
Thi công hệ thống cáp ngầm. Ảnh: Internet |
Khi Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, các DN hiện đang có đường dây điện, ống cấp thoát nước, cáp viễn thông và các công trình khác lắp đặt trong hành lang đường bộ, dùng chung với hạ tầng đường bộ để kinh doanh sẽ phải trả tiền thuê.
Thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nêu ý kiến, trên thực tế, hệ thống thông tin, cáp truyền hình, cấp nước …do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện phục vụ mục đích thương mại nên việc thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ do Nhà nước đầu tư là phù hợp với cơ chế thị trường.
Cần quy hoạch bài bản
Đường bộ chiếm tỉ lệ chủ yếu trong hệ thống đường giao thông nước ta. Theo tính toán của cơ quan chức năng, ngân sách dành cho bảo trì đường cao tốc, quốc lộ mới được cấp 12.000 tỷ đồng/năm, trong khi nhu cầu lên đến gần 30.000 tỷ đồng/năm.
Hiện tại, việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện mới đạt khoảng 9.000 tỷ đồng/năm, như vậy ngân sách Nhà nước đang phải cấp bù hơn 3.000 tỷ đồng.
Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục đường bộ Bùi Quang Thái cho biết muốn đủ nguồn vốn cho quỹ bảo trì thì mức thu trên đầu xe phải tăng 2 - 3 lần. Tuy nhiên, việc này sẽ tác động đến ngành khác, nhất là làm tăng chi phí logistics.
Khi nguồn lực Nhà nước hạn hẹp, Cục đường bộ Việt Nam cũng tính toán đến việc huy động vốn từ tư nhân. Với cao tốc hiện hữu, Cục Đường bộ tính toán sử dụng phương án thuê nhà đầu tư khai thác hoặc hợp đồng O&M thì Nhà nước sẽ không tốn nguồn lực cho công tác bảo trì.
Trên thực tế, khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước của quỹ bảo trì còn hạn hẹp, Cục đường bộ sẽ phải đắn đo hơn khi quyết định nâng cấp, sửa chữa các vị trí hoặc đoạn đường hư hỏng trong khi nhiều tuyến đường đều cần bảo trì.
Khi Luật đi vào thực tiễn, có bổ sung thêm nguồn kinh phí từ việc thu phí sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung với đường bộ thì sẽ thuận lợi hơn cho việc bảo trì đường bộ. Nhất là trong bối cảnh nước ta đang đầu tư xây mới nhiều tuyến cao tốc và đường bộ.
Theo các chuyên gia, nhằm đảm bảo việc đầu tư, khai thác, vận hành, thu phí công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung với đường bộ được hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước cần quy hoạch bài bản và lưu tâm đến quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trong xây dựng, ATGT đường bộ; quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và không ảnh hưởng đến khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ.
Chính phủ đang giao Bộ Công an và Bộ GTVT chủ trì soạn thảo thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết về 2 luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Đường bộ. Trước khi Luật đi vào thực tiễn, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ phối hợp xây dựng nghị định hướng dẫn về mức thu và cách thức thu.
Dự kiến, nếu thu theo cơ chế giá sẽ do Bộ GTVT ban hành mức giá cho thuê dựa trên cơ sở chi phí đầu tư và thời gian khai thác công trình hạ tầng sử dụng chung. Còn nếu theo cơ chế phí sẽ do Bộ Tài chính xây dựng và ban hành.