Tại Điều 39 dự thảo Luật Đường bộ quy định: Điểm dừng xe được xây dựng để đáp ứng nhu cầu về dừng xe tại các đô thị, trong phạm vi nền mặt đường bộ. Điểm dừng xe trong đô thị và trong các khu dân cư, cơ quan, tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu dừng xe phục vụ giao thông đô thị và các khu vực, địa điểm này; điểm dừng xe trong phạm vi đường bộ được thực hiện tại một số vị trí nhất định dành cho xe buýt đón, trả hành khách.
Đối với các đường ngoài đô thị được đầu tư, xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp mở rộng thì điểm dừng xe phải được xây dựng ngoài phạm vi nền mặt đường bộ.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị sửa: "...điểm dừng xe trong phạm vi đường bộ được thực hiện tại một số vị trí nhất định dành cho xe buýt, xe khách tuyến cố định đón, trả hành khách…".
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành và dự thảo Luật, xe khách tuyến cố định là hoạt động vận tải có lịch trình, hành trình nhất định và được xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến.
|
Xe tuyến cố định đón trả khách sai quy định trên đường bộ. Ảnh: L.K |
Việc đón, trả khách trên đường là không phù hợp với loại hình vận tải này, nên việc quy định điểm đón, trả khách xe khách tuyến cố định là không phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Trong Dự thảo cũng đề xuất quy định dịch vụ đại lý bán vé xe khách tuyến cố định. Theo đó, đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé phải có hợp đồng đại lý bán vé với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, tuyến cố định.
Đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách.