|
Từ khi công trình hợp long (tháng 4/2018), nhà đầu tư đã phát hiện tình trạng chênh lệch cao độ giữa các đốt dầm... |
Đại diện nhà đầu tư khẳng định, mặt cầu Bạch Đằng không phải bị lún võng do khai thác, đây là sự chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm
Sáng nay (3/11), trao đổi với Báo Giao thông về thông tin mặt cầu Bạch Đằng bị lún võng, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết: “Đây không phải là tình trạng lún võng do khai thác mà là sự chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm”.
Theo ông Oánh, ngay từ khi công trình hợp long (tháng 4/2018), chủ đầu tư đã phát hiện tình trạng chênh lệch cao độ giữa các đốt dầm. Lúc đó, đơn vị thi công dự định tiến hành bù vênh luôn, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, tư vấn và các bên liên quan, phải cần thời gian theo dõi, quan trắc khi công trình đi vào khai thác ổn định mới tiến hành bù vênh.
“Đây là hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc dầm, không phải do khai thác rồi bị lún võng”, ông Oánh nói và cho biết, tình trạng này thường xảy ra khi thi công các cầu dây văng, nhất là cầu dây văng 3 trụ tháp như cầu Bạch Đằng, việc kiểm soát chênh lệch giữa các đốt đúc càng khó khăn hơn.
Theo ông Oánh, hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc chỉ xảy ra ở vị trí trước và sau hai khối hợp long. Tại những vị trí này có hai cánh đúc hẫng, đáng ra nó phải khít nhau khi đúc, đến lúc đổ khối hợp long sẽ bằng nhau. Nếu là cầu đúc hẫng thông thường (cầu cứng), mình căn chỉnh từ trước, ra đến nơi sẽ khớp luôn. Nhưng Bạch Đằng là cầu dây văng 3 trụ, nhất là trụ tháp ở giữa bập bềnh, việc điều chỉnh rất khó khăn, dẫn tới sự chênh lệch về cao độ giữa đốt đúc khi hợp long.
“Chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc nằm trong phạm vi cho phép, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua cầu an toàn với tốc độ 100 km/h, đúng theo thiết kế ban đầu”, ông Oánh khẳng định và cho biết, tuần sau chủ đầu tư sẽ họp với các cơ quan liên quan để thống nhất phương án, thời điểm bù vênh phù hợp cho cầu Bạch Đằng.
Cầu Bạch Đằng dài 5,4km vượt qua ngã ba sông Bạch Đằng, sông Cấm, điểm đầu thuộc địa phận đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, điểm cuối tuyến thuộc quận Hải An (TP Hải Phòng). Cầu có 3 trụ tháp hình chữ H có chiều cao 100m, cao độ thông thuyền 48,4m, mặt cắt ngang toàn cầu 25m với tốc độ thiết kế 100km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư 7.270 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư BOT 6.780 tỷ đồng, vốn ngân sách 490 tỷ đồng. Dự án do liên danh Tổng công ty Xây dựng CTGT1 (CIENCO1) - Tập đoàn Trung Nam - Phúc Lộc - Cường Thịnh Thi - Cái Mép - Công Thành - Phương Thành và Tập đoàn SE (Nhật Bản) làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. Dự án do UBDN tỉnh Quảng Ninh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.