Càng làm càng lỗ
Trong kỳ điều chỉnh vào ngày 11/3, giá xăng E5 RON92 tăng lên 28.980 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng lên 29.820 đồng/lít. Giá xăng trong nước liên tục lập những kỷ lục mới khiến không ít ngành nghề trong lĩnh vực vận tải, sản xuất lao đao, gồng mình vượt khó, trong đó, xe công nghệ cũng không ngoại lệ. Nhiều tài xế xe công nghệ loay hoay, nửa muốn hoạt động, nửa không. Nhiều người không còn mặn mà với nghề mặc dù đã gắn bó nhiều năm.
Anh Vũ Thái Hoàng quê ở Thái Nguyên, có kinh nghiệm 5 năm làm lái xe cho một hãng xe ôm công nghệ ở Hà Nội, chia sẻ: “Khó khăn chồng chất khó khăn đối với cánh tài xế xe ôm công nghệ chúng tôi khi mà dịch bệnh Covid-19 khiến lượng hành khách giảm mạnh, giá xăng lại tăng theo từng ngày. Trước đây, ngày đông khách, tôi chạy hết hoàng 400.000 đồng tiền xăng, nay phải chi đến 600.000 đồng”.
|
Khó khăn chồng chất khó khăn đối với những tài xế xe ôm công nghệ khi mà dịch bệnh Covid-19 khiến lượng hành khách giảm mạnh, giá xăng lại tăng theo từng ngày. |
Theo anh Vũ Thái Hoàng, giá xăng tăng mạnh, tuy nhiên giá cước vẫn giữ nguyên khiến cánh tài xế xe ô tô công nghệ điêu đứng. Mỗi ngày, trừ chi phí, thu nhập chỉ còn khoảng 200.000 đồng, nhiều tài xế đã đóng ứng dụng tìm kiếm kiếm khách hàng.
Trước đây, anh Hoàng di chuyển xe liên tục tới nhiều địa điểm để tìm kiếm khách hàng. Khi giá xăng tăng cao, anh Hoàng chọn những khu vực đông dân cư rồi chờ đợi. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không mấy khả thi vì phạm vi hoạt động bị bó hẹp, lượng khách hàng cũng giảm theo.
Chạy xe ôm công nghệ, anh Nguyễn Văn Long trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) không vui vẻ gì khi nhận được cuốc xe đi từ Cầu Giấy tới Thanh Trì với quãng đường gần 10km. Anh Long cho rằng, cuốc xe này trước đây, trừ chi phí có thể để dư ra khoảng 40.000 đồng. Với giá xăng như hiện nay, nếu không có cuốc xe quay lại thì chẳng còn được bao nhiêu.
“Với giá xăng như hiện tại, chạy những cuốc xe ngắn mới có một ít tiền lãi. Từ ngày giá xăng tăng cao, chúng tôi hủy những cuốc xe dài, lượng khách đi xe cũng không có nhiều do nhiều người lo sợ lây nhiễm Covid-19. Thu nhập giảm mạnh khiến cuộc sống của lái xe công nghệ thêm phần khó khăn” - anh Nguyễn Văn Long chia sẻ.
|
Khi giá xăng tăng cao, tài xế hủy những chuyến xe dài vì nếu không có cuốc quay đầu thì sẽ lỗ. |
Trước đây, anh Long bắt đầu công việc lúc 7h đến 19h hàng ngày. Tuy nhiên để có thêm thu nhập, từ ngày giá xăng tăng anh làm việc đến 22h nhưng số tiền kiếm được vẫn không bằng trước kia.
Không chỉ anh Long, anh Hoàng mà hàng nghìn lái xe công nghệ đang loay hoay trước thực trạng giá xăng, dầu liên tục chạm kỷ lục mới đẩy họ vào thế khó.
Tính chuyện chuyển nghề
Khách hàng ít, giá xăng lập kỷ lục khiến nhiều tài xế tính chuyện chuyển nghề. Anh Hoàng Văn Hiếu quê ở Hưng Yên cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 khách hàng giảm, giá xăng tăng cao khiến nhiều đồng nghiệp đã chuyển nghề. Tôi đang tính đến việc về quê, hoặc xin làm giao hàng cho một công ty nào đó, mặc dù thu nhập không cao nhưng ổn định”.
Anh Hoàng Văn Hiếu từng làm việc cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực nội thất, dịch bệnh đã làm anh mất việc hồi đầu năm 2021. Sau khi mất việc, anh Hiếu chuyển sang làm tài xế xe ôm công nghệ. Tưởng chừng công việc làm xe ôm công nghệ này sẽ đem đến nguồn thu nhập ổn định nhưng giá xăng đang khiến anh phải tìm cho mình một công việc mới.
"Tôi đã xin việc sang làm ở hãng giao hàng tiết kiệm, công việc này trước kia thu nhập không cao như chạy xe ôm công nghệ những với giá xăng như hiện nay sẽ đem lại thu nhập và công việc ổn định hơn” – anh Hoàng Văn Hiếu chia sẻ.
Càng khó khăn hơn đối với những tài xế taxi công nghệ. Anh Nguyễn Văn Nam trú tại Cầu Giấy cho hay: “Tôi làm lái xe cho một công ty du lịch, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ít việc làm nên bỏ tiền tích góp, vay mượn thêm ngân hàng để mua chiếc ô tô chạy taxi công nghệ. Vừa được hoạt động lại mấy tháng thì gặp phải “cơn bão” giá xăng. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đã chuyển sang nghề khác”.
|
Nhiều tài xế đã tính đến chuyện bỏ nghề khi thu nhập giảm mạnh. |
Thức khuya, dậy sớm mỗi ngày anh Nguyễn Văn Nam thu về hơn 1 triệu đồng, trừ chi phí cắt trả công ty, ăn uống, xăng xe không còn dư đồng nào. Lỡ vay ngân hàng mấy trăm triệu, giờ để xe tiếp tục làm thì không được mà bán cũng không xong.
“Tôi vừa rao bán chiếc xe ô tô. Dự định thời gian tới sẽ quay trở lại lái xe du lịch. trước mắt tôi xin làm ở tiệm rửa xe gần nhà để kiếm thêm đồng ra đồng vào” - anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ thêm.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh cho rằng, giá xăng, dầu tăng đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Chị ảnh hưởng nhiều nhất khi xăng, dầu tăng giá là lĩnh vực vận tải, dịch vụ vận chuyển hành khách.
“Tài xế xe công nghệ là những người sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp sớm nhất với những biến động về giá xăng dầu. Việc nhiều hãng kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe công nghệ có những động thái tăng giá cước theo giá xăng cũng không phải là biện pháp tối ưu khi giá cước tăng quá cao, khách hàng sẽ có xu hướng chuyển sang sử dụng những hãng xe khác còn giữ giá hoặc xe cá nhân” - Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh chia sẻ.
“Trước tình hình giá xăng dầu tăng mạnh, Bộ Tài chính vừa đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn. Với mức giảm này, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) sẽ giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu hỏa là 500 đồng/lít… Đề xuất của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý và là một biện pháp cứu cánh cho không chỉ tài xế xe công nghệ mà cả các ngành sản xuất, vận tải khác” - Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh nhận định.
|