Thị trường trầm lắng
Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần khách hàng đang có tâm lý thăm dò, chờ đợi thời điểm chính thức giảm LPTB để có thể sở hữu ô tô với giá "mềm" hơn.
Anh Nguyễn Văn Đạt (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, tôi có kế hoạch mua xe và đã chọn mẫu Honda Civic từ tháng 5. Nhưng sau khi nghe thông tin ô tô lắp ráp trong nước được giảm LPCB, tôi chấp nhận lùi kế hoạch và đến khi chính sách ưu đãi LPCB có kết quả mới “xuống tiền” mua xe. Bởi sẽ tiết kiệm thêm cả hàng chục triệu đồng. "Chiếc xe tôi định mua có giá gần 700 triệu, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, có thể tiết kiệm thêm được gần 40 triệu nên tôi quyết định chờ”-anh Đạt cho biết.
Anh Hoàng Minh Thái, phụ trách kinh doanh một đại lý ô tô của hãng Hyundai cho biết, nếu Bộ Tài Chính giảm 50% LPCB thì người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Cụ thể với một số mẫu hạng A như KIA Morning, Hyundai i10, ở bản cao cấp có tầm giá khoảng 430 triệu đồng/chiếc, khách hàng sẽ được giảm khoảng 21 triệu đồng LPTB.
Còn với xe hạng B, nếu chọn bản cao như Honda City với giá 609 triệu đồng/chiếc, khách được lợi hơn 30 triệu đồng. Với hạng C, nếu chọn bản cao của mẫu Mazda 3 có giá gần 730 triệu đồng/chiếc, khách hàng được giảm đến gần 40 triệu đồng.
Với những mẫu xe sang được sản xuất, lắp ráp trong nước, số tiền mà khách hàng được hưởng lợi tương ứng mức hỗ trợ 50% LPTB là khá cao. Chiếc E300 AMG của Mercedes Benz có giá gốc 3,209 tỉ đồng/chiếc, với mức giá bán này, nếu được giảm 50% LPTB, người mua sẽ được hưởng lợi khoảng 150 triệu đồng.
Nếu chọn mẫu xe có giá bán thấp nhất của hãng Mercedes Benz là C200 với giá 1,5 tỉ đồng, mức giảm LPTB tương ứng là 75 triệu đồng. Với những mẫu "siêu sang" có giá tầm 5 tỉ đồng/chiếc, số tiền LPTB được giảm có thể lên tới 250 triệu đồng.
Việc người tiêu dùng tạm thời dừng mua xe để đợi Chính phủ giảm LPCB đã khiến thị trường tiêu thụ xe trầm lắng. Quản lý bán hàng của Honda Mỹ Đình Lương Thanh Tuấn cho biết, thông thường 1 tháng doanh nghiệp tiêu thụ được 200-250 xe. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, khi có thông tin về việc sắp được giảm LPTB thì lượng khách lại giảm sút mạnh. Cụ thể, trong tháng 5 có doanh số là khoảng 140 chiếc, còn tháng 6 vừa qua chỉ được hơn 100 chiếc.
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng doanh số bán hàng tính đến hết tháng 5/2024 của các thành viên VAMA và Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công đạt 127.643 xe (gồm 108.309 xe theo số liệu của VAMA và 19.334 xe Hyundai), giảm tới 47,2% so với 6 tháng cuối năm 2023.
Kỳ vọng vào sức mua cuối năm
Nhìn nhận về những lợi ích việc giảm LPCB cho sản phẩm ô tô sản xuất lắp ráp trong nước các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này có chung ý kiến việc giảm LPCB sẽ kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, hoạt động này còn giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước có thêm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc xem xét giảm thuế trước bạ cho ô tô là tốt cho thị trường trong dài hạn. Bởi hoạt động này kích cầu tiêu dùng vì vậy, người dân doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục giảm LPCB để hỗ trợ cho người tiêu dùng cũng như gia tăng doanh thu cho ngành.
“Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 75.000 chiếc xe với giá trị 1,547 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Vì vậy việc giảm LPCB sẽ là cú huých cho ngành ô tô trong nước đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong quá trình tiêu thụ”-ông Phong nêu rõ.
Thông tin từ hàng Mercedes Benz cho thấy trong giai đoạn 2021-2022, chính sách giảm LPTB đã thúc đẩy sức mua sản phẩm đã tăng gấp đôi, riêng đợt giảm LPTB năm 2023 cũng giúp tăng doanh số 50%-60%. Từ kết quả này hãng Mercedes Benz kỳ vọng nếu chính sách giảm LPTB được triển khai từ ngày 1/8 sắp tới, sức tiêu thụ có thể tăng 40-50% so với những tháng trước đó.
Nhận định việc giảm LPTB là vô cùng cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sức mua ô tô sụt giảm, đại diện VAMA Đào Công Quyết cho rằng việc áp dụng chính sách này sẽ giúp thị trường ô tô sớm phục hồi tốt, nhất là vào thời điểm cuối năm và Tết Dương lịch 2025 khi sức tiêu thụ sẽ tăng mạnh.
Thực tế cho thấy, mỗi lần giảm LPCB là một lần thị trường ô tô được hồi sức. Số liệu của VAMA cho thấy sau khi Chính phủ ban hành Nghị định cho phép giảm LPCB từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022 lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tăng 2,67 lần so với 6 tháng trước đó, lên 398.177 xe.
Trong đó, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trong tháng 12.2021 là 103.722 xe (tăng 2,67 lần so với tháng 11.2021); số lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2022 là 294.455 xe (tăng từ 1,2 đến 2 lần so với các tháng cùng kỳ năm 2021 và chiếm gần 50% tổng số xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký năm 2022).
Việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sức mua trong nước, tạo đà cho việc tái sản xuất, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành ôtô. Điều này vừa góp phần “cởi trói” thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành ô tô qua đó đóng góp vào việc cân bằng nguồn thu ngân sách.
Lê Nam