Với tham vọng hoàn thành gần 600km ĐSĐT, TP cần có những giải pháp đột phá, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách và huy động nguồn vốn khổng lồ tới hơn 55,4 tỷ USD.
Khối lượng công việc khổng lồ
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô, đến năm 2030 thị phần vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khu vực đô thị trung tâm phải đạt 50 - 55%; sau năm 2030 đạt 65 - 70%. Mục tiêu này không thể đạt được nếu TP không có hệ thống ĐSĐT phát triển.
Dự kiến sau khi đưa vào khai thác, hệ thống ĐSĐT sẽ vận chuyển khoảng 3,2 triệu lượt khách/ngày, chiếm khoảng 35 - 40% thị phần VTHKCC khu vực đô thị trung tâm và khoảng 20% khu vực ngoại ô.
Mặt khác, Hà Nội đã đặt mục tiêu trở thành đô thị hiện đại, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (theo mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị. Mục tiêu chính của TOD là xây dựng đô thị hiện đại, gắn với các tuyến ĐSĐT.
Có thể thấy vai trò của ĐSĐT là vô cùng cấp thiết và quan trọng, vừa góp phần quyết định giải quyết ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của TP.
Tuy nhiên nhiều năm qua các dự án ĐSĐT gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách và nguồn vốn. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng: “ĐSĐT của Hà Nội thiếu đi một kịch bản triển khai cụ thể, trong khi nó lại còn rất mới, khiến từ chính quyền TP cho đến các đơn vị thực hiện lẫn người dân đều vô cùng bỡ ngỡ. Những khó khăn phát sinh không lường trước, thiếu sự chuẩn bị phương án ứng phó đã kéo lùi tiến độ ĐSĐT của Thủ đô nhiều thập kỷ”.
Để có một kịch bản toàn diện, cụ thể, chi tiết, Hà Nội đã xây dựng “Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô” để tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống ĐSĐT thời gian qua. Đồng thời, Đề án cũng chính là cơ sở để định hướng phát triển, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù cho đầu tư, xây dựng hệ thống ĐSĐT TP Hà Nội.
Đề án đã đề ra mục tiêu, xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư hệ thống ĐSĐT Thủ đô đến năm 2035.
Cụ thể, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” gồm: đến năm 2030, TP phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 96,8km ĐSĐT (24%); đến năm 2035 hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT theo quy hoạch GTVT Thủ đô (10 tuyến với 397,8km); đến năm 2045 hoàn thành các tuyến ĐSĐT dự kiến bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh (5 tuyến với 196,2km).
Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư cho tổng thể 15 tuyến ĐSĐT của Hà Nội vào khoảng 55,442 tỷ USD. Trong đó nhu cầu vốn từ nay đến năm 2030 khoảng 16,208 tỷ USD; từ 2030 - 2035 khoảng 20,966 tỷ USD; từ 2035 - 2045 khoảng 18,268 tỷ USD. Hà Nội sẽ cần cả vốn vay ODA, ngân sách T.Ư hỗ trợ và ngân sách TP để đáp ứng nguồn vốn khổng lồ này.
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội nhận định, TP hoàn toàn có thể huy động đủ nguồn vốn để đầu tư cho ĐSĐT cũng như tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại lâu nay trong lĩnh vực quy hoạch, kỹ thuật, giải phóng mặt bằng… nếu được Quốc hội, Chính phủ ủng hộ, cho phép kiến tạo nhóm cơ chế, chính sách đặc thù.
Định khung chính sách
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ: “TP đã nhận diện rất rõ những khó khăn về cơ chế chính sách phát triển ĐSĐT. Vừa qua, TP đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học trong cũng như ngoài nước, qua đó sàng lọc, học hỏi kinh nghiệm để định hình khung chính sách cho phát triển ĐSĐT Hà Nội”.
Tựu chung lại, Hà Nội đã đề xuất 6 nhóm giải pháp có tính đột phá, là nền tảng cơ bản mở đường cho ĐSĐT.
Thứ nhất là kiến nghị phân cấp, ủy quyền cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn về đô thị riêng cho mỗi TP; cũng như trình tự thủ tục riêng về điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến hệ thống ĐSĐT, gắn liền với phát triển chỉnh trang đô thị lân cận các nhà ga (xây dựng mô hình TOD), nhằm bảo đảm đáp ứng các mục tiêu về phát triển đô thị đã được xác định tại các Nghị quyết của T.Ư và của mỗi TP.
Thứ hai là xác định dự án ĐSĐT gắn liền khu vực TOD lân cận các nhà ga là một dự án đầu tư công để kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị và đấu giá đất tạo nguồn thu ngân sách nhằm đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT.
Thứ ba là tổ chức đấu giá quyền thực hiện dự án phát triển đô thị TOD sau khi hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Cho phép hai TP được giữ lại tiền thu từ đất để đầu tư trực tiếp cho dự án phát triển hệ thống ĐSĐT thông qua đấu giá quyền phát triển dự án khu đô thị TOD.
Thứ tư là phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn hợp pháp khác vượt khung trần nợ công, áp dụng cho TP theo từng năm và trong cả giai đoạn đến năm 2035, bảo đảm đủ nguồn vốn cần thiết cho dự án phát triển hệ thống ĐSĐT.
Thứ năm là kiến nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho hai TP xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với từng hợp phần của dự án phù hợp với năng lực của nhà thầu/DN trong nước, tăng dần theo thời gian tại từng thời điểm.
Thứ sáu là lựa chọn mô hình và quyết định thành lập Tổng Công ty quản lý đầu tư, xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống ĐSĐT/TOD có chức năng kinh doanh đa ngành để tự chủ tài chính, bảo đảm đủ ngân sách đầu tư, vận hành khai thác và duy tu bảo dưỡng hệ thống ĐSĐT.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “6 nhóm giải pháp nêu trên rất đúng và trúng vào những vấn đề khó khăn, tồn tại nhiều năm qua cản trở bước phát triển của ĐSĐT. Đây có thể xem là những giải pháp mang ý nghĩa sống còn đối với mục tiêu hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội trong 20 năm tới”.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị; Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đều xác định nhiệm vụ đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT của Thủ đô là trọng tâm trong giai đoạn tới.
Đặng Sơn