Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đáng chú ý, quy định hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Theo tính chất, mức độ

 

Theo dự thảo nghị định, Bộ Công an vẫn kế thừa 3 mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, đã đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

 

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng đối với lái xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

 

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), mức tiền phạt là từ 6 đến 8 triệu đồng.

Bo Cong an de xuat ha muc phat vi pham nong do con duoi 0,25 miligam/1 lit khi tho - Hinh anh 1
 Ảnh minh hoạ.

Đối với vi phạm nồng độ mức 2 và mức 3 - người điều khiển giảm hoặc mất khả năng điều khiển phương tiện bình thường, có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên quy định xử phạt tiền như trong Nghị định 100, chỉ đề xuất thay đổi quy định tước GPLX thành quy định trừ điểm GPLX.

 

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng được đưa ra sau khi Bộ Công an nhận ý kiến của một số bộ, ngành và người dân.

 

Những ý kiến này cho rằng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35mg/lít khí thở và dưới 50mg/ml máu.

 

Các nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe. Vì vậy, đề xuất giảm tiền phạt với người uống ít.

 

Tiếp tục nghiên cứu

 

Bên cạnh việc giảm phạt tiền, Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe với tất cả hành vi vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 12 điểm.

 

Lỗi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg - 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 10 điểm.

 

Nếu lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở có thể bị trừ 2 điểm.

 

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, sau khi Bộ Công an đăng tải dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ có đề xuất trên, Cục CSGT đã nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp.

 

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì phạt nặng vi phạm nồng độ cồn đã giúp người tham gia giao thông có ý thức về việc “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

 

Trong khi đó, nhiều người đồng tình nên hạ mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn tối thiểu vì không ảnh hưởng lớn đến khả năng lái xe.

 

Trên thực tế, mục đích của các quy định pháp luật không phải là để thu tiền phạt. Nhiều người cho rằng, việc đánh mạnh vào túi tiền của người vi phạm có tác dụng nhưng đó không phải là phương án duy nhất hoặc là phương án tối ưu nhất.

 

Hiện nay luật không chỉ quy định phạt tiền mà còn trừ điểm cả giấy phép lái xe. Việc bị trừ điểm dẫn đến nguy cơ tước bằng lái cũng là một hình thức răn đe đối với người dân. 

 

Hiện nay Bộ ngành và người dân vẫn đang tiếp tục góp các ý kiến xoay quanh đề xuất này, Bộ Công an cho biết sẽ tổ chức hội thảo, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng dự thảo nghị định với tinh thần nghiêm minh, tương xứng với mức vi phạm và trình Chính phủ quyết định.

Tin liên quan