Bỏ của chạy lấy người
Từ khi bắt đầu đấu giá biển số xe ô tô đến nay, Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam (VPA), đơn vị được Bộ Công an lựa chọn, ký hợp đồng tổ chức đấu giá biển số xe ô tô đã tổ chức 3 phiên đấu giá. Trong đó, phiên đấu giá thứ 1 có 153.000 biển số, phiên đấu giá thứ 2 có 288.668 biển số, phiên đấu giá thứ 3 có 188.399 biển số.
Tại họp báo Bộ Công an quý I/2024, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, trong thời gian qua, thực hiện đấu giá biển số xe ô tô, Cục CSGT đã thu về hơn 1.500 tỷ đồng để nộp ngân sách Nhà nước.
Bộ Công an đánh giá, việc đưa biển số xe ô tô vào đấu giá đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đáng nói, dù đã đạt được hiệu quả tốt, nhưng trong cả 3 phiên đấu giá đều tồn tại tình trạng bỏ cọc, đặc biệt là đối với các biển số VIP.
Đó là lí do vì sao, nhiều người thấy ở phiên đấu giá lần thứ 3 diễn ra vào đầu tháng 4 này, nhiều biển số đã từng được đấu giá thành công trở lại sàn đấu. Giá chốt thành công ở lần tiếp theo cũng thấp hơn rất nhiều so với lần đầu tiên đấu giá thứ nhất.
Điều này đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có hay không tình trạng thổi giá trong đấu giá biển số xe? Và phải chăng mức cọc đối với biển số xe hiện nay đang thấp (chỉ 40 triệu) lại thêm không có quy định phạt nếu bỏ cọc nên tình trạng này diễn ra liên tiếp?
Ví dụ như biển số 14A - 888.88, lần thứ 1 chốt giá 21,8 tỷ đồng (ngày 4/1), đã quay lại sàn đấu vào ngày 4/4, được chốt với giá 17,3 tỷ đồng.
Biển số 30K - 999.99 cũng từng có khách trả 75 tỷ đồng hồi tháng 1/2024 nhưng sau đó đã bỏ cọc. Khi lên sàn lần tiếp theo vào ngày 5/4, biển số 30K - 999.99 được đấu giá thành công ở mức hơn 30,6 tỷ đồng, bằng gần một nửa giá trị so với lần lên sàn đầu tiên.
Tương tự, biển ngũ quý 6 của Hà Nội 30K - 666.66 tái xuất trên sàn đấu biển số ô tô vào đầu tháng 4 và được đấu thành công ở mức giá 3,57 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều lần so với kết quả đấu giá hôm 6/1 (19,58 tỷ đồng).
Biển số Vĩnh Phúc 88A - 666.66 từng được chốt với giá 29,43 tỷ đồng vào ngày 2/1 nhưng sau đó đã bị bỏ cọc khi đấu giá lại thành công ở mức hơn 6,7 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Thành Đạt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi theo dõi thấy hầu hết các biển số xe VIP được đưa ra đấu giá lại đạt giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với lần đấu giá thứ nhất. Mức giá ở lần này tuy thấp hơn nhiều so với lần trước nhưng có vẻ thể hiện đúng giá thực của biển số hơn”.
Cùng quan điểm, anh Giang Linh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, chính vì những lần trước đấu giá quá cao đã đẩy ảo thị trường, khiến nhiều người thực sự có nhu cầu dè dặt hơn khi đấu giá, trong khi những người đấu giá khủng thì lại bỏ cọc.
“Theo tôi, cần có chế tài hoặc những quy định chặt chẽ hơn để người đấu giá không bỏ cọc, tránh lãng phí thời gian, công sức trong việc tổ chức đấu giá” – anh Giang Linh nêu quan điểm.
Phân loại, tăng tiền cọc
Bất cứ tài sản nào khi mang đấu giá đều phải được định giá và xác định giá sàn. Từ giá sàn sẽ quy định tỷ lệ đặt cọc tương ứng. Đối với biển số xe ô tô, hiện nay giá khởi điểm đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng. Mức giá này được nhiều người đánh giá là thấp so với giá trị biển số, đặc biệt là các biển số siêu VIP như tứ quý, ngũ quý hoặc sảnh tiến.
Trao đổi về thực trạng các biển số xe đẹp và siêu đẹp liên tiếp bị người đấu giá bỏ cọc, luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh cho rằng, để hạn chế bỏ cọc, không nên đánh đồng mức tiền cọc với tất cả biển số.
Nên chia các biển số thành nhiều nhóm với số tiền đặt cọc tương ứng khác nhau tùy theo mức độ "đẹp" của biển số và cần xem xét thêm về mức phạt bỏ cọc để có chế tài phù hợp.
Một biển số ngũ quý nên có giá trị khởi điểm khác với biển tứ quý hoặc biển sảnh tiến. Chia như vậy, có thể giúp xác định đúng giá trị biển số cũng như giúp người đấu giá có trách nhiệm hơn trong việc ra quyết định đấu giá và bỏ cọc.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cũng cho rằng, việc phân loại biển số theo nhóm để xác định mức cọc là cần thiết để lọc nhu cầu của những người thực sự cần. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cần nghiên cứu áp dụng thêm quy định như người bỏ cọc còn phải nộp thêm các khoản chi phí khác bù đắp trong việc tổ chức phiên đấu giá. Chỉ khi gắn người đấu giá với trách nhiệm thì họ mới càng thận trọng hơn trong mọi quyết định của mình.
Luật hiện hành không quy định phạt người đấu giá bỏ cọc, nhưng nếu không có chế tài chặt chẽ thì việc để người đấu giá tùy tiện bỏ cọc như hiện nay có thể để lại nhiều hệ lụy cho thị trường đấu giá nói chung, cũng như gây mất thời gian, nguồn lực của các phiên đấu giá về sau.
Chưa kể, việc này có thể để lại tiền lệ xấu về việc làm nhiễu loạn thị trường giá biển số xe. Bởi khi một biển số chênh lệch giá lớn qua nhiều lần đấu giá hoặc nhiều lần đấu giá không thành công có thể xảy ra các trường hợp, hoặc lợi dụng việc đấu giá biển số để đánh bóng tên tuổi; hoặc khiến một số người đấu giá nghi ngại mà dè dặt khi tham gia đấu giá biển số qua đó làm giảm giá trị của biển số; hoặc người đấu giá cố tình thổi giá biển số lên cao, sau đó bỏ cọc rồi đấu giá lại ở những lần tiếp theo để dìm giá biển số…
Có thể thấy rằng, nghị quyết về thí điểm đấu giá có hiệu lực trong 3 năm kể từ ngày 1/7/2023 mới có hiệu lực thi hành 1/3 thời hạn. Do đó, những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện là khó tránh khỏi.
Một khi vấn đề đã xuất hiện sẽ đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền cần xem xét phương án xử lý để có cách giải quyết phù hợp với thực tiễn và ngăn chặn từ sớm. Có như vậy, việc đấu giá biển số xe đẹp mới đạt được hiệu quả tốt nhất và trở thành tiền đề để mở rộng việc đấu giá biển số đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác về sau.
Huyền Sâm