Ngày 14/4, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết đơn vị phát hiện một lỗ hổng mới nằm bên ngoài, phía trên điểm sạt lở ở hầm Bãi gió, thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Từ lỗ hổng này, đơn vị thi công sẽ tiến hành khoan thăm dò địa chất, tìm vị trí đất rỗng do sạt lở mấy ngày nay.
|
Đã xác định được chính xác điểm sạt lở để lên phương án khắc phục. Ảnh VOV |
Phía trong hầm, nhà thầu bố trí 2 tổ phun bê tông vào vị trí đất đá sạt lở để giữ chân, không cho biến động để ngăn tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra. Thời gian để bê tông đông cứng mất khoảng 8 giờ, sau đó bộ phận ở trong hầm mới tiến hành gia cố vỏ hầm.
Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, theo tính toán, các công đoạn trên phải mất 3-4 ngày mới có thể hoàn thành và thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Hiện Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang vẫn trung chuyển hành khách giữa ga Giã (Khánh Hòa) và ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Riêng các tàu hàng vẫn đang tạm dừng hành trình tại các ga trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.
Hầm Bãi Gió được xây vào năm 1930 và đưa vào sử dụng năm 1936. Trước khi xảy ra vụ sạt lở, hầm Bãi Gió được đơn vị thi công gia cố các lớp chống thấm, khung thép và phun bê tông lên vỏ hầm. Việc thi công đang được triển khai thì xảy ra sự cố sạt lở.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, bác bỏ việc sạt, lở do quá trình thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió. Nguyên nhân sạt lở là do các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa rồi rơi tự do.
|
Phân luồng phương tiện để giảm áp lực qua vỏ hầm |
Ngành đường sắt đã làm việc với Cảnh sát giao thông tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, tiến hành cấm tất cả các phương tiện xe tải đi trên đường Đèo Cả nhằm giảm áp lực cho vỏ hầm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan huy động tối đa các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.