Phát triển thành dịch vụ chuyên biệt
Hà Nội hiện có khoảng hơn 2.000 xe đưa đón học sinh, chưa kể hàng chục nghìn học sinh vẫn đang sử dụng xe buýt để đi lại. Tương tự tại nhiều TP lớn khác, nhu cầu sử dụng xe đưa đón học sinh cũng ngày càng gia tăng do phụ huynh trẻ bận rộn với công việc.
Thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến việc đưa đón học sinh đã đưa vấn đề này trở thành vấn đề cấp thiết cần được luật hoá.
Theo các chuyên gia giao thông, về lâu dài cần phải phát triển hoạt động xe đưa đón thành dịch vụ chuyên biệt. Tuy nhiên, trước mắt nếu chưa có phương tiện đặc trưng thì cần tận dụng các phương tiện sẵn có, hoàn thiện các hạng mục gắn trên ô tô đưa đón, phân định rõ trách nhiệm quản lý, đảm bảo an toàn trong việc đưa đón học sinh.
Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đề xuất ô tô kinh doanh vận tải được kết hợp đưa đón học sinh, trẻ em mầm non. Tuy nhiên, phải đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; lắp thiết bị giám sát hành trình, lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (nếu là ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên không kể chỗ của người lái xe). Trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
|
Ảnh minh hoạ |
Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.
Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón. Chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, báo cáo cơ quan quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh, TP về việc tổ chức đưa đón học sinh.
Điểm mới này được kì vọng có thể giúp phụ huynh và nhà trường quản lý, đưa đón trẻ đi học an toàn, đồng thời, mở ra cơ hội phát triển loại hình kinh doanh vận tải mới cho các doanh nghiệp vận tải hành khách.
Quản lý chặt
Hiện nay mặc dù nhu cầu xe đưa đón học sinh rất lớn, nhiều trường học đã tổ chức hoạt động xe đưa đón học sinh, nhưng Luật vẫn chưa có quy định riêng để kiểm soát loại hình này.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, việc có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Để hoạt động hiệu quả, cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, lái xe và người giám sát trong hoạt động đưa đón.
Đặc biệt, xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Như vậy, trong lúc chờ hoàn thiện các quy định của pháp luật, các đơn vị liên quan cần tuyển chọn đào tạo và sát hạch chặt chẽ hơn những người lái xe đưa đón học sinh.
Hoạt động tổ chức xe đưa đón cũng trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình giao thông, đặc biệt là trong các thành phố lớn và trong các khung giờ cao điểm. Vì vậy, việc nghiên cứu các quy định về hạ tầng và tổ chức giao thông cho xe buýt trường học (điểm đỗ, đón trả, người điều khiển giao thông) cũng cần được chú trọng.
Song song với đó là việc tăng cường công tác giám sát, thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Nếu phát hiện sai phạm cần phải dừng hoạt động đối với đơn vị tổ chức xe đưa đón, hoặc cấm hành nghề trong một thời gian hoặc vĩnh viễn đối với lái xe.
Bộ GTVT đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị liên quan để hướng dẫn các trường học khi các trường tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô. Trong đó, yêu cầu tiên quyết là phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật.