|
Ảnh minh họa |
Tham gia giao thông trên đường ở Việt Nam, chúng ta thường xuyên bắt gặp vi phạm của lái xe ô tô. Phổ biến nhất là vi phạm lấn đường, lấn tuyến. Đây là “căn bệnh kinh niên” thường gặp nhất và hay gây tai họa nhất. “Lấn len” - ngôn ngữ của các bác tài chỉ việc lấn làn, lấn tuyến, lấn qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, lấn qua vạch giới hạn đường bộ…
Đặc thù của các tuyến đường ở Việt Nam nói chung đa phần hẹp, ở nhiều tuyến quốc lộ có nhiều đường đèo dốc, quanh co, tầm nhìn hạn chế. Ngoài các biển báo nguy hiểm, cơ quan chức năng còn đặt các biển cấm, biển báo hạn chế tốc độ để cảnh báo. Bên cạnh đó, trên tất cả các quốc lộ, tỉnh lộ, khi chưa có điều kiện đặt dải phân cách giới hạn hai chiều xe chạy riêng biệt, các tuyến đường còn được dùng vạch liền nét để chia đường. Gặp vạch này người lái xe không được cho xe lấn qua, đặc biệt là những nơi quanh cua liên tiếp.
Quy định là vậy, nhưng có mấy lái xe thèm để tâm, để ý và chấp hành nghiêm. Xe vào đường quanh co nhưng nhiều tài xế chân vẫn đạp hết ga. Lực li tâm và lực quán tính, lực đẩy khiến chiếc xe luôn có chiều hướng bay ra ngoài lề đường, buộc các lái xe chỉ còn cách duy nhất là lấn đường. Tốc độ càng lớn, phần đường ngược lại nguy cơ bị lấn, bị khoá càng cao.
Nếu ai thường xuyên đi trên các con đường Tây Nguyên hay xuyên Việt theo đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh sẽ thấy các bác tài nhà ta sinh ra một sáng kiến có một không hai trên thế giới. Khi vào các khúc quanh, cửa trước bên phụ sẽ được mở ra, một lơ xe sẽ treo người nơi đây để quan sát, báo hiệu xe ngược chiều, hoặc chướng ngại vật phía trước báo tài xế xử lý.
Đáng nói hơn, vi phạm lấn làn, lấn đường diễn ra phổ biến, nhưng do CSGT không thể trải rộng tuần tra xử lý nên chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Để ngăn chặn tình trạng này, tới đây các cơ quan chức năng phải tăng cường đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để phạt nguội may ra vi phạm mới giảm, từ đó góp phần đảm bảo ATGT và hạn chế TNGT.