Cố tình đi vào đường cao tốc
|
Đường cao tốc được xây dựng dành riêng cho các loại ô tô và xe chuyên dụng. |
Hà Nội hiện có một số tuyến cao tốc hướng tâm, hoặc xuyên tâm như: Vành đai 2, Vành đai 3, Đại lộ Thăng Long… với làn đường chỉ dành cho ô tô lưu thông tốc độ cao.
Tuy nhiên do ùn tắc giao thông diễn ra ở nhiều nơi cùng với nhận thức, ý thức về an toàn giao thông của bộ phận không nhỏ người dân còn kém, dẫn đến vấn nạn xe máy đi vào cao tốc, hoặc lấn làn ô tô, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng và gây rối loạn giao thông.
|
Hai thanh niên đầu không đội mũ, lạng lách, gây ẩu đả trên Vành đai 2.
|
16 giờ ngày 25/2, trên đường Vành đai 2, Hà Nội có hai thanh niên đi xe mô tô SH không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, tạt đầu một số xe ô tô. Không chỉ dừng lại ở việc tạt đầu xe ô tô, các đối tượng còn đạp vào xe, đấm vào cửa kính khi thấy chủ phương tiện bấm còi. Đỉnh điểm, hai đối tượng còn giật cửa xe ô tô và đánh nhau với những người trên xe.
Sự việc được người dân ghi hình và lan truyền trên mạng xã hội khiến cư dân mạng rất bất bình, phẫn nộ, đồng thời đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm để răn đe.
Ghi nhận ngày 27/2, Tổ công tác thuộc đội Cảnh sát giao thông số 3 đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Nhiều người vẫn bất chấp biển cấm lái xe máy đi vào đường Vành đai 2 trên cao, thậm chí một số trường hợp còn liều lĩnh quay đầu đi ngược chiều khi thấy CSGT.
Nhiều tài xế xe máy vẫn vô tư len lỏi trên tuyến đường dành riêng cho ô tô, đặc biệt là trong khung giờ cao điểm.
|
Đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) dài hơn 5km, chỉ dành cho ô tô, cấm hoàn toàn xe mô tô, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông. |
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Linh (đường Trường Chinh, quận Đống Đa) cho biết: “Có những hôm đang chạy ô tô khoảng 80km/h trên Vành đai 2 bỗng xuất hiện một loạt xe máy lượn lách ở phía trước, khiến tôi không khỏi “lạnh gáy”. Chỉ cần thiếu quan sát một chút là có thể gây tai nạn nghiêm trọng” - anh Linh nói.
Ngoài ra một số vị trí như Vành đai 3 trên cao lên - xuống Linh Đàm, do xe khách liên tỉnh thường xuyên dừng đỗ đón trả nên xuất hiện một số xe ôm sẵn sàng chạy ngược chiều để kiếm khách; Cầu Vĩnh Tuy hiện đã được phân làn cứng, ngăn cách đường dành cho ô tô, xe máy, nhưng tình cảnh xe máy lấn làn ô tô diễn ra hầu như suốt cả ngày, dù là giờ cao điểm hay thấp điểm; Đại lộ Thăng Long là một trong những tuyến cao tốc xảy ra nhiều tai nạn giao thông nhất liên quan đến xe máy. Không ít trường hợp người đi xe máy, xe đạp, đi bộ băng qua tuyến đường này đã thương vong nhưng vẫn chưa khiến người vi phạm biết sợ.
Cần tăng mức độ xử phạt
|
Các loại xe gắn máy không được phép lưu thông trên đường cao tốc . |
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xe máy đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) sẽ bị phạt 2 đến 3 triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe đối với những cá nhân cố tình vi phạm.
Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sĩ Đỗ Cao Phan, chuyên gia giao thông nhận định, hành vi của một số cá nhân ý thức kém, không có văn hóa tham gia giao thông khi cố tình đi xe máy vào đường chỉ dành riêng cho ô tô. không những gây mất an toàn giao thông cho bản thân mà còn gây nguy hiểm đến các phương tiện khác. Trên thực tế hầu hết các vụ va chạm giữa xe máy và ô tô đều khiến nạn nhân tử vong.
“Mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng như hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Cần có những chế tài mạnh tay hơn nữa như tạm giữ phương tiện, tăng mức tiền phạt lên gấp nhiều lần, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm gây tai nạn giao thông” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.
Theo thạc sĩ Đỗ Cao Phan, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý và tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm khi sử dụng xe đạp đi vào đường dành riêng cho ô tô chạy tốc độ cao.
Liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, những vụ tai nạn xe máy trên đường cao tốc, đường cấm là hoàn toàn có thể lường trước được. Tuy nhiên, ý thức người dân là vấn đề quan trọng nhất trong việc giảm thiểu tình trạng này.
“Có không ít trường hợp đi nhầm vào đường cao tốc dành cho ô tô. Biển cấm phương tiện xe máy, xe thô sơ cũng cần được đặt ở những vị trí dễ quan sát để tránh trường hợp đi nhầm. Cơ quan quản lý đường nên bố trí thêm biển báo nhắc lại, đồng thời mở một số lối ra nhỏ chỉ vừa xe đạp, xe máy để những người đi nhầm có thể di chuyển ra khỏi đường cấm ngay” – thạc sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có liên quan nên tăng mức độ xử phạt từ hành chính, tước bằng lái lên thu xe vĩnh viễn đối với những đối tượng đã vi phạm lần thứ 2 hoặc 3. Hơn nữa, mô tô, xe máy không được tham gia giao thông trên đường cao tốc bởi nếu xảy ra tai nạn, mức độ nghiêm trọng sẽ rất cao.
Có một số hành vi dù ít xảy ra, nhưng nếu xảy ra hậu quả sẽ rất lớn. Do vậy, phải có những biện pháp ngăn ngừa. Chế tài không đơn thuần để xử phạt mà đó cũng chính là thông điệp để tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân để họ ý thức hơn trong việc tuân thủ pháp luật.