|
Ảnh minh họa |
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trong đó, Luật Căn cước có 7 chương, 46 điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. So với Luật Căn cước công dân năm 2014, đối tượng áp dụng của Luật Căn cước được mở rộng hơn. Ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Một số nội dung đáng chú ý của Luật Căn cước gồm: Sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ” thành “số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước”… Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Luật cũng đã bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc. Đồng thời, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam đồng thời phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Bên cạnh đó, Luật cũng đã bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa các thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác, qua đó giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.