|
Tái hiện hoạt động "Sắc màu Tây Nguyên" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Theo đó, tại không gian chợ vùng cao phía Bắc thuộc Khu các làng dân tộc I sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Phiên chợ vùng cao ngày Tết, tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao; Chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật múa Khèn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn.
Các nghệ nhân dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn sẽ giới thiệu các tiết mục đặc sắc múa khèn đơn, khèn đôi, giao lưu giúp khách tham quan có trải nghiệm về tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông.
Bên cạnh đó là chương trình tái hiện lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên; Chương trình thi thổi xôi ngũ sắc và mâm cơm mừng năm mới” của đồng bào dân tộc Thái tỉnh SơnLa…
Cũng trong dip này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống của các nhóm đồng bào dân tộc vùng cao; các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền của dân tộc Mông, Tày, Dao tỉnh Bắc Kạn; dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên và các hoạt động hàng ngày của các cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại Làng.
Chào xuân 2023 là hoạt động Phiên chợ vùng cao ngày Tết. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Kháng…
Đồng bào dân tộc Kháng đến từ tỉnh Điện Biên sẽ tái hiện lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn). Đây là lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở dòng họ Lò Khul. Lễ Pang Phoóng là lễ hội nhằm tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, làm được nhiều ruộng nương, lúa gạo, nuôi trâu, bò, lợn, gà nhanh lớn, mọi công việc làm ăn thuận lợi, phát triển; anh em con cháu trong dòng họ gần gũi, chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống; thắt chặt tình đoàn kết gắn bó; đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc mình.
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.