Giá ô tô giảm mạnh: Hết thời “bắt chẹt” khách hàng

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của ngành ô tô. Các hãng xe áp dụng nhiều chương trình giảm giá mạnh để kích cầu nhưng thị trường vẫn chưa có nhiều sự thay đổi.

Đi qua thời đỉnh cao

Lần đầu tiên sau gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường ô tô trong nước vượt mốc nửa triệu xe bán ra trong 2022. Kết thúc năm 2022, lượng xe mới bán ra tại Việt Nam đạt mức kỷ lục 508.547 xe, cao nhất trong 12 năm qua và cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Gia o to giam manh: Het thoi “bat chet” khach hang - Hinh anh 1
Người tiêu dùng tham khảo xe ô tô. Ảnh: Hoàng Linh 

Sau một năm đạt kỷ lục về doanh số, thị trường ô tô Việt Nam đã xuống dốc rất nhanh kể từ đầu 2023 khi doanh số sụt giảm mạnh. Tính đến hết tháng 09/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 29%, trong khi xe nhập khẩu giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính cho biết: “Trong năm 2023, kinh tế tăng trưởng chậm hẳn một cách đáng kể. Công ăn việc làm cũng giảm sút, giá hàng hoá tăng, thu nhập của người dân chịu nhiều áp lực. Bởi vậy, thực tế nhiều người chỉ lo chi tiêu những thứ thiết yếu, đặt ô tô ngoài nhu cầu của mình”.

Ông Thịnh cũng chia sẻ: “Lượng người sở hữu ô tô ở Việt Nam chỉ khoảng độ 34c/10.000 người, thấp nhất so với các cái nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia. Chúng ta vẫn coi ô tô như một phương tiện quan trọng của người có thu nhập cao, là hàng hóa đặc biệt  việc đánh thuế với ô tô cũng tăng lên, chi phí để xe được lăn bánh trên đường cao, khiến lương người mua cũng giảm đi”.

Giá ô tô ở Việt Nam cao hơn vì phải chịu nhiều loại thuế, phí. Chẳng hạn như, thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (40 - 60%, tùy theo dung tích xe), đặc biệt với ô tô con dưới 10 chỗ ngồi. Những loại thuế doanh nghiệp phải đóng cũng tính cả vào giá xe, như thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước (doanh nghiệp đóng) 10 - 30%; hoặc thuế nhập khẩu nguyên chiếc (đơn vị nhập khẩu đóng) 50 - 70% tùy loại. 

Chưa hết, người mua phải chịu các loại phí thêm vào như phí trước bạ với mức thu lên tới 10 - 15% giá xe, tùy địa phương, phí cấp biển số, sử dụng đường bộ, ...

Cơ sở hạ tầng, đường xá nước ta đã rất phát triển trong thời gian qua, nhưng nếu so với nhu cầu để phát triển của ngành ô tô thì đây là chưa đủ đáp ứng. Thiếu điểm dừng đỗ hay giao thông ách tắc cũng là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lượng xe tiêu thụ.

Ngoài các loại thuế đang đè lên xe ô tô, giá cao làm kìm hãm nhu cầu mua xe ở Việt Nam, từ đó hạn chế sản lượng ô tô. Hệ quả là chi phí sản xuất bị đội lên và giá xe càng cao hơn.

Người mua nắm thế chủ động 

Sức tiêu thụ liên tục sụt giảm kể từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay đã kéo theo áp lực tồn kho tại các đại lý và nhà phân phối. Để kích cầu doanh số, hàng loạt hãng sản xuất ô tô buộc phải tung những chương trình giảm giá mạnh cho các mẫu xe chủ lực của mình. Đồng thời, để hỗ trợ người dân, Chính phủ đã quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ từ ngày 1/7/2023. 

Chị Diệu Thu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Thời điểm trước mình phân vân về quyết định mua ô tô vì giá xe kèm thuế phí đội lên khá nhiều. Tuy nhiên với những chính sách ưu đãi hiện nay, mình cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để đầu tư sở hữu một chiếc xe phục vụ nhu cầu cá nhân và gia đinh”.

Cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các nhà sản xuất tiếp tục đưa ra những chính sách khuyến mãi để kích cầu. Tùy thuộc vào giá bán, mức khuyến mại hãng sản xuất đưa ra tương đương với mức giảm 30 triệu đến cả trăm triệu đồng. Cá biệt có một số mẫu xe, mức giảm giá có thể lên đến 150-200 triệu đồng.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: “Thời gian trước đây, doanh nghiệp ô tô chưa thực sự quan tâm đến những vấn đề về hậu mãi hay là các hỗ trợ cho người mua xe. Một phần là do nhu cầu của người dân tương đối lớn, có những thời điểm gọi là sốt giá”. 

Đơn cử như Mazda 6 bản 2.5 Signature Premium GTCCC năm 2021 có giá lăn bánh khoảng 1 tỷ 46 triệu, đến năm 2022 giảm còn 999 triệu và hiện nay là 963 triệu. 

Với mức tăng và giảm như trên, có thể thấy giá ô tô bán ra phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế và sức mua của thị trường. “Doanh nghiệp có lẽ cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên nếu nói về giảm giá thành của ô tô thì doanh nghiệp không lỗ. Chỉ có điều khi giá xe cao quá thì việc bán hàng chậm lại, sản xuất kinh doanh từ đó sẽ có nhiều khó khăn hơn. Nhưng chủ yếu vẫn là tác động đến người tiêu dùng nhiều”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Với sự tăng trưởng vượt bậc của ngành ô tô trong năm 2022, nhiều hãng xe đã tăng sản lượng trong năm 2023, tuy nhiên với sự thay đổi của thị trường thì các hãng không kịp “quay xe”, khiến số lượng hàng tồn kho cao. 

Đây thực sự là khoảng thời gian khó khăn đối với ngành ô tô bởi các đơn vị sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để giành lấy thị trường vốn đã không còn dễ dàng như năm ngoái. Ngược lại, đối với người tiêu dùng, đây là thời điểm nắm thế chủ động và chọn lựa cho mình mẫu xe ưa thích với mức chiết khấu cao.

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h