|
Những cảm biến được gắn trên ô tô sẽ xác định được vật cản ở phía trước. |
Hệ thống cảnh báo va chạm (Pre-collision System) là một công nghệ hiện đại được sinh ra để giảm thiểu các vụ tai nạn cũng như mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn.
Cụ thể thì hệ thống này luôn theo dõi quá trình điều khiển của lái xe và các điều kiện xung quanh xe như chướng ngại vật, phương tiện phía trước, người đi bộ,... để phát hiện sớm nguy cơ xảy ra va chạm.
Khi nhận thấy có nguy cơ tai nạn, hệ thống này sẽ phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh, hình ảnh trên màn hình điều khiển, hoặc chế độ rung trên vô lăng để nhắc nhở người lái. Nhờ vậy, đảm bảo an toàn cho lái xe và hành khách cũng như người tham gia giao thông khác.
Hệ thống cảnh báo va chạm trên ô tô hoạt động dựa trên sóng radar và camera, trước đây là sóng hồng ngoại. Cảm biến radar, camera sẽ được đặt ở phía đầu xe và luôn phát ra những đợt sóng radar. Khi gặp chướng ngại vật, sóng radar sẽ dội ngược lại cảm biến.
Dựa vào thời gian sóng di chuyển rồi dội ngược lại, vi xử lý trung tâm sẽ tính toán ra khoảng cách từ xe tới chướng ngại vật để điều chỉnh tốc độ và hướng điều khiển của lái xe hiện thời.
Nếu khoảng cách giữa hai xe không đảm bảo an toàn, hệ thống này sẽ đưa ra những cảnh báo cho lái xe. Khi khoảng cách quá gần mà lái xe không phản ứng hệ thống sẽ tự can thiệp qua các hệ thống khác như phanh tự động và căng dây an toàn tự động,...
Không chỉ có cảnh báo tiền va chạm với hệ thống cảm biến trước, nhiều mẫu “xế xịn” còn có khả năng cảnh báo, phát hiện va chạm từ phía sau và từ bên hông xe.
Tuy nhiên là dù công nghệ có hiện đại tới đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Lái xe không được chủ quan ngay cả khi điều khiển những chiếc xe sang được trang bị hàng loạt các “option” (tính năng) an toàn cùng như tiện ích hỗ trợ người lái.
|
Mô phỏng một tình huống hệ thống an toàn chủ động thực hiện việc dừng khẩn cấp khi có xe phía trước. |
Dù hệ thống cảnh báo va chạm có tính năng và phương pháp phát hiện, cảnh báo cho người lái nhưng chúng sẽ có những hạn chế nhất định.
Đầu tiên, tính năng cảnh báo an toàn của nhiều ô tô phổ biến là khả năng phát hiện phương tiện phía trước, nhưng chỉ một số những “xế xịn” mới được nâng cấp lên phát hiện cả người đi bộ và động vật lớn trên đường. Do đó, chúng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro mà các tài xế không nên chủ quan.
Thứ hai là tốc độ kích hoạt của các hệ thống cũng khác nhau. Nhiều hệ thống cảnh báo va chạm trước được thiết kế chỉ hoạt động ở tốc độ dưới 30 km/h.
Tiếp theo là hệ thống này sẽ giảm hiệu suất trong thời tiết xấu. Trong điều kiện thời tiết mưa lớn, sương mù, ánh sáng kém cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hình ảnh của camera, từ đó làm giảm hiệu suất cảnh báo.
Cuối cùng là chúng phụ thuộc vào đặc điểm địa hình. Đường cong hoặc leo lên dốc của những ngọn đồi cũng khiến hệ thống cảnh báo va chạm có thể không phát ra âm thanh hoặc phát hiện ra sớm các chướng ngại vật.
Công nghệ, hệ thống an toàn nói chung và cảnh báo va chạm nói riêng chỉ là các công cụ hỗ trợ, đem lại nhiều lợi ích, song các tài xế không nên quá phụ thuộc vào chúng.