Theo số liệu của Hiệp hội ôtô Đông Nam Á (AAF), trong năm 2019 khu vực Đông Nam Á tiêu thụ 3.458.482 xe mới. Số liệu này được tổng hợp từ Hiệp hội ôtô các quốc gia: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Singapore, Myanmar, Brunei. Ba nước Timor Leste, Lào và Campuchia không có số liệu.
Xét về lượng xe mới tiêu thụ, Indonesia là thị trường lớn nhất, Thái Lan đứng thứ hai với doanh số ít hơn khoảng 22.500 xe. Thị trường Malaysia xếp thứ ba và thứ tư là Việt Nam.
Trong số các quốc gia tăng trưởng, Myanmar và Việt Nam là hai thị trưởng có mức tăng ấn tượng nhất, lần lượt 25% và 9,4%.
Ảnh minh họa
|
Không phải thị trường bán xe mới nhiều nhất nhưng Thái Lan vẫn giữ đầu tàu là quốc gia số một trong khu vực về lượng sản xuất xe nội địa. Ngành sản xuất ôtô ở xứ chùa vàng hiện có mức nội địa hóa trên 80% và là điểm đầu tư hấp dẫn, đặt nhà máy của nhiều hãng xe Nhật, Mỹ, Đức.
Năm 2018, 2019 là những năm chứng kiến làn sóng đổ bộ các mẫu xe nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan vào Việt Nam. Nguyên nhân vì thuế nhập khẩu 0% áp dụng cho các mẫu xe có mức nội địa hóa trên 40% sản xuất tại ASEAN, riêng Indonesia trên 70%.
Hiện, Trường Hải với các thương hiệu phân phối như Kia, Mazda, Peugeot, TC Motor với Hyundai và Toyota là ba hãng đi đầu trong lĩnh vực sản xuất xe hơi trong nước. Tuy nhiên, phần lớn các linh kiện, phụ tùng đều nhập khẩu, ôtô chủ yếu lắp ráp là chính. Mức nội địa hóa trung bình của ngành sản xuất ôtô của Việt Nam vì thế vẫn còn thấp. Sự xuất hiện của VinFast từ 2017 mang đến nhiều kỳ vọng lớn cho ngành sản xuất xe hơi nội địa nhưng hãng cần thời gian để phát triển.