Tiêu thụ hơn 9.000 xe lắp ráp trong nước
Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường ô tô Việt Nam khá trầm lắng khi đà hồi phục bất ngờ bị cắt đứt do sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều tỉnh, thành phố phần nào tác động đến thị hiếu, lựa chọn của người tiêu dùng.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tính riêng trong tháng 7/2021, doanh số bán hàng đạt 16.035 xe, giảm 32% so với tháng 6/2021. Trong tổng doanh số bán hàng trên và trong từng phân khúc xe, có 10.411 xe du lịch, giảm 34%; 5.163 xe thương mại, giảm 27% và 461 xe chuyên dụng, giảm 30% so với tháng trước. Xét về nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 9.024 xe, giảm 32% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.011 xe, giảm 31% so với tháng trước đó.
|
Trong tháng 7, doanh số bán ô tô giảm 32%. Ảnh: Phạm Hùng |
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, một số nhà máy tạm ngừng hoạt động, các đại lý bán hàng đóng cửa, người dân thắt chặt chi tiêu để vượt qua khủng hoảng, điều này, đã trực tiếp khiến doanh số của toàn thị trường trong tháng 7 sụt giảm mạnh. Đến tháng 8, thị trường tiếp tục ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh Covid-19 cùng với thời điểm trùng tháng Ngâu, thị trường ô tô Việt vẫn đang nằm ở nút trầm.
Do thay đổi địa điểm làm việc, cách xa nhà gần 15km anh Vũ Thái Hoàng trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) quyết định mua một chiếc xe ô tô để việc đi lại được thuận tiện hơn. Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi đặt xe từ tháng 6/2021 nhưng không đại lý nào còn xe kịp giao tháng 7. Đi nhiều nơi trong thành phố cũng ở tình trạng tương tự. Đến gần cuối tháng 7 thì công ty tôi cho tất cả nhân viên làm việc tại nhà. Tôi sẽ dừng việc mua xe lại để xem xét tình hình dịch bệnh”.
Theo anh Vũ Thái Hoàng, dịch bệnh diễn biến như hiện nay, mua xe về cũng không đi đâu được. Anh cũng cho rằng, sau khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, các hãng xe sẽ có những gói ưu đãi lớn để kích cầu mua sắm của người dân nên việc mua xe vào thời gian này là chưa hợp lý.
Có thể phục hồi chậm
Chuyên gia về thị trường ô tô, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, việc giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành khiến người dân, doanh nghiệp đi lại, mua bán ô tô bị hạn chế. Ngoài ra, với điều kiện dịch bệnh như hiện nay, thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến kế hoạch chi tiêu thay đổi. Có rất nhiều người có ý định mua xe, đã phải tạm dừng bởi nguồn tiền dư đã được chuyển sang thành nguồn tiền dự trữ.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Trong thời gian tới, thị trường xe ô tô tại Việt Nam vẫn có thể bị trì trệ do nguồn cung cấp linh kiện của các hãng lắp ráp xe trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, điều này dẫn đến việc các hãng kéo dài thời gian giao xe”.
Theo vị chuyên gia này, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu mua xe của khách hàng dự báo cũng có nhiều thay đổi. Những người trẻ và có nhu cầu đi lại thực sự sẽ lựa chọn những mẫu xe hạng A, hạng B và những mẫu xe cỡ nhỏ sẽ bán chạy hơn những mẫu xe cỡ lớn.
|
Dự báo thị trường ô tô trong nước sẽ có những bước phục hồi chậm. |
“Trên thực tế, không chỉ dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, giãn cách xã hội khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm, Việc phục hồi của thị trường xe ô tô phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19” – ông Thắng nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chính phủ cần triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích cầu kinh tế. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế nói chung và thị trường ô tô trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường ô tô năm 2020 xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ. Việc giảm phí trước bạ 50% đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Với chính sách này, người dân sẽ được giảm lệ phí trước bạ từ vài chục tới cả trăm triệu đồng tùy từng loại xe, đã làm sôi động thị trường ô tô những tháng cuối năm 2020.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ nhận được Công văn số 45/2021/CV-TCM của Công ty Cổ phần Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor) kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của TC Motor tại văn bản.
Đồng thời đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2021.