|
Những ngày Tết, lượng rượu, bia tiêu thụ tăng lên đáng kể. |
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (sảng khoái, hưng phấn thần kinh, giảm khả năng tự kiềm chế bản thân, đi đứng loạng choạng…) đến ngộ độc nặng (hôn mê, nôn nhiều, vã mồ hôi, thở yếu hoặc ngừng thở dẫn đến suy hô hấp, hạ huyết áp, mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, trụy mạch, hạ thân nhiệt, co giật, … có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong.
Ngộ độc rượu có thể diễn biến trầm trọng nếu không được xử lý kịp thời và thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nghiên cứu cho thấy ngay sau khi được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu tiến hành hoạt động đào thải rượu, bia ra ngoài. Khoảng 10% được thải ra ngoài qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được hấp thu và chuyển hóa ở gan. Song gan chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan…
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ hội Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến nghị đối với người có uống rượu, bia trong dịp Tết cổ truyền hoặc dịp lễ hội như sau:
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
- Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.
- Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao.
- Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng.
- Khi thấy biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Nên tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường.
- Khi bị ngộ độc rượu, người nhà nên giữ bệnh nhân tỉnh táo nhất có thể cho đến khi có bác sĩ tới cấp cứu.
- Không để người ngộ độc rượu một mình, để tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Nên để bệnh nhân nằm đầu cao hoặc ngồi, có thể để nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa.
- Hô hấp nhân tạo nếu có dấu hiệu ngưng thở và giữ ấm cơ thể để tránh hạ thân nhiệt đột ngột, gây tử vong. Gia đình nên mang theo hoặc ghi nhớ loại rượu mà người bị ngộ độc uống để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân, xử trí kịp thời. Hoặc gọi điện tới Trung tâm chống độc để được các chuyên gia hướng dẫn, sơ cấp cứu đúng cách.
Đặc biệt với người cao tuổi thì càng dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với những người còn trẻ tuổi nếu sử dụng nhiều rượu bia. Đặc trưng ngày Tết là ngày đoàn viên sum vầy, lượng rượu bia được tiêu thụ còn nhiều hơn ngày bình thường do các gia đình thường xuyên đi chúc Tết hoặc đón khách. Những gia đình có người cao tuổi cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này.