Xe buýt Hà Nội: Hướng tới mục tiêu thân thiện với người dân và môi trường

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngày nay, chiến lược phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt của Hà Nội đã trở nên rất đa dạng và hướng đến những hiệu quả tích cực nhất cho người dân. Bởi vậy, ngoài thuận tiện cho việc đáp ứng nhu cầu đi lại, xe buýt còn phải có tính thẩm mỹ và thân thiện với môi trường.

Bài 1: Cuộc lột xác ngoạn mục
Bài 2: Xóa “vùng trắng” trên toàn địa bàn
Bài 3: Ứng dụng công nghệ Nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ

Xe buyt Ha Noi: Huong toi muc tieu than thien voi nguoi dan va moi truong - Hinh anh 1
Vận chuyển bằng phương vận tải công cộng đế tránh ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh  Thanh Hải

Xe buýt là lựa chọn văn minh

Nhiều năm trước, xe buýt thường vẫn bị coi là phương tiện dành cho người có thu nhập thấp. Không ít người dân khi nhận định về xe buýt đều tỏ ra ngao ngán với chất lượng dịch vụ cũng như phương tiện. Chính định kiến này đã kìm hãm sự phát triển của VTHKCC, góp phần làm gia tăng lượng phương tiện cá nhân trên toàn địa bàn Thủ đô. Hệ luỵ tất yếu là sự gia tăng phương tiện cá nhân, gây UTGT và ô nhiễm môi trường sống.

Nhằm mục tiêu đưa xe buýt đến gần hơn, thân thiện hơn với người dân, Chính quyền TP cũng như các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác VTHKCC bằng xe buýt đã không ngừng nỗ lực. Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải nhận định: “Xe buýt ngày nay không chỉ cần thuận tiện, nhanh chóng mà còn phải đẹp, thể hiện nét văn minh, văn hóa của người Hà Nội”.

Chính từ suy nghĩ đó, nhiều năm qua, xe buýt Hà Nội đã được cải thiện mạnh mẽ từ hình thức cho đến chất lượng dịch vụ. Ví dụ như những chiếc xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã được trang trí bằng nhiều màu sơn như xanh lá; logo nhận diện thương hiệu Cánh chim hoà bình và biểu tượng Khuê Văn Các. Sự thay đổi này không chỉ mang lại sự hài lòng cho hành khách thường xuyên sử dụng mà còn góp phần thu hút thêm nhiều người dân đến với xe buýt.

Hiện nay, không chỉ học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp mà ngay cả cán bộ, công chức, người có thu nhập cao cũng đã lựa chọn sử dụng xe buýt làm phương tiện lưu thông chính. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Xe buýt đang dần cải thiện quan điểm về giàu nghèo, không còn nhiều ý kiến cho rằng chỉ những người thu nhập thấp mới đi xe buýt. Điều đó cho thấy, xe buýt đã góp phần rất lớn vào xây dựng văn hóa giao thông, ngày càng trở nên gần gũi và thân thiết với người dân Thủ đô Hà Nội”.

Giải pháp cho vấn đề khói bụi

 Nhiều chuyên gia cho rằng, xe buýt đang cùng lúc đưa ra 2 giải pháp để góp phần bảo vệ môi trường của Hà Nội. Thứ nhất, càng đông người dân sử dụng xe buýt thì càng giảm được lượng phương tiện cơ giới trên đường, trực tiếp hạn chế khói bụi và ô nhiễm tiếng ồn, giảm UTGT, bảo vệ môi trường Thủ đô. Thứ hai, xe buýt cũng đang hướng tới những tiêu chí rất cao về điều kiện khí thải và tiêu thụ nhiên liệu. Phương tiện dùng trong mạng lưới buýt được thay thế dần bằng xe đạt chuẩn khí thải mức cao nhất thế giới đặt ra như Euro IV, EuroV.

Từ ngày 1/8 vừa qua, 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG số: 01, 02, 03 đã được đưa vận hành chính thức, đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của phương tiện VTHKCC không khói bụi, thân thiện với môi trường tại Hà Nội. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết: “TP đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm khuyến khích các đơn vị vận tải đầu tư phương tiện thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm khói bụi. Trong tương lai, cùng với tàu điện, xe buýt nhiên liệu sạch sẽ trở thành lựa chọn hữu ích nhất cho hệ thống VTHKCC của Hà Nội”.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái nhận định, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các tuyến đường sắt đô thị sẽ còn cần rất nhiều thời gian để đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác. Nhiều năm tới, xe buýt vẫn sẽ là loại hình VTHKCC chính yếu của Hà Nội. Do vậy, việc nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ, thu hút người dân đến xe với xe buýt là rất quan trọng và cần được đầu tư đúng mức.

"Mục tiêu bảo vệ môi trường phải luôn được đặt song song với mục tiêu phát triển mạng lưới xe buýt. Vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vừa thân thiện với môi trường là hai mục tiêu không thể tách rời trong quá trình phát triển mạng lưới xe buýt của Hà Nội." - Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái 

(còn nữa)

Yến Dư/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan