Để vực dậy VTHKTCĐ, các bến xe cần định vị được vai trò dẫn dắt và hỗ trợ tích cực cho các DN vận tải nâng cao sức cạnh tranh bằng chính chất lượng dịch vụ.
Chủ động tổ chức kinh doanh
Nhiều năm qua, các bến xe khách liên tỉnh, dù là đầu mối kết nối hành khách với DN vận tải, nhưng lại chỉ giữ vai trò như người phục vụ, cung cấp dịch vụ một cách đơn thuần. Chính vì vậy, khi VTHKTCĐ lâm cảnh thoái trào, các bến xe cũng lay lắt trong cảnh cầm cự qua ngày. Lượng khách đến hầu hết mọi bến xe lớn nhỏ của Hà Nội sụt giảm mạnh, xe bỏ bến, doanh thu thấp, người lao động phải cắt nghỉ luân phiên.
Trên thực tế, chất lượng dịch vụ, tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe có ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn của hành khách đối với VTHKTCĐ. Bên cạnh đó, các yếu tố như: trung chuyển hành khách từ khu dân cư đến bến xe và ngược lại; thông tin về luồng tuyến; dịch vụ đặt vé, giữ chỗ trước… chính là những điều kiện mang tính quyết định với tâm lý khách hàng. Và đây là những phần việc mà lâu nay nhiều bến xe chưa đảm đương tốt, phó mặc cho DN vận tải tự xoay vần.
Để vực dậy VTHKTCĐ và tự lo cho chính mình, các bến xe phải nhanh chóng chuyển đổi vai trò từ người cung cấp dịch vụ hỗ trợ bị động sang người chủ động tổ chức kinh doanh. VTHKTCĐ đã được xác định là loại hình phù hợp với cự ly dưới 500km, giữ vai trò rất quan trọng và là lựa chọn hàng đầu của người dân khi đi lại liên tỉnh. Vấn đề chỉ là VTHKTCĐ phải “thay da đổi thịt” để hấp dẫn hành khách hơn.
Trước tiên, các bến xe cần chủ động phối hợp với DN vận tải đầu tư, triển khai mạng lưới xe trung chuyển rộng khắp, tần suất phù hợp để đón khách đến, đưa khách đi. Một trong những lý do khiến xe khách trá hình, xe limousine, xe tiện chuyến ngày càng hấp dẫn là hành khách được đưa đón tận cửa.
Trong khi đó, người dân lại khá vất vả khi phải sử dụng xe buýt để đến bến, đi bằng taxi, xe ôm thì chi phí cao. Nếu có xe trung chuyển, chắc chắn không ít người dân sẽ lựa chọn đến bến đi xe khách để được phục vụ tốt hơn.
Mặt khác, nếu để các DN vận tải tự đầu tư xe trung chuyển sẽ rất khó khăn, bởi nhiều DN không đủ điều kiện, tiềm lực. Hơn nữa nếu mỗi DN lại có một hoặc vài chiếc xe trung chuyển sẽ làm gia tăng lượng phương tiện, tạo thêm áp lực cho giao thông Thủ đô. Chính vì vậy, xe trung chuyển kết nối người dân với các bến xe, tốt hơn cả là do đơn vị quản lý bến chủ trì vận hành, khai thác. Chi phí hoạt động có thể do DN vận tải đóng góp hoặc thu từ hành khách với mức phù hợp như xe buýt.
Một vấn đề khác rất quan trọng là bến xe phải có các kênh thông tin kết nối tốt với người dân. Thông qua mạng xã hội, internet, xe khách trá hình, xe tiện chuyến đã tiếp cận rất tốt với hành khách. Bến xe cũng phải làm được như vậy, vừa quảng bá cho chính mình, vừa thu hút khách cho nhà xe.
Người dân cần dễ dàng tìm thấy thông tin về nhà xe, giờ giấc xuất bến, xe trung chuyển… trên không gian mạng để có lựa chọn thoải mái nhất thì họ mới tìm đến bến. Khi kết nối tốt với hành khách, bến xe sẽ càng khẳng định được vị thế chủ động tổ chức đối với VTHKTCĐ, hỗ trợ đắc lực hơn cho DN và cả người dân.
Mang đến sự an toàn và thuận tiện
Hiện không ít người dân vẫn chấp nhận đi xe ngoài bến dù biết khi có rủi ro sẽ khó bảo đảm được quyền lợi cho chính mình. Đó là bởi vì họ vẫn chưa hài lòng và tin tưởng, vẫn cảm thấy lo ngại bị chèo kéo, chộp giật khi đến bến xe. Do đó, không chỉ thay đổi phương thức tiếp cận người dân, các bến xe còn cần “thay da đổi thịt”, mang đến cho hành khách cảm giác an toàn, thoải mái tuyệt đối.
Ví dụ như Bến xe Nước Ngầm thời gian qua đã làm rất tốt công tác an ninh, trật tự cả bên trong lẫn ngoài bến. Người dân đến đây không phải gặp cảnh nhà xe lẽo đẽo đi theo chèo kéo, dọa nạt khách; khu vực vệ sinh luôn sạch sẽ, thoải mái… Đó là những yếu tố rất quan trọng khiến bến xe này vẫn thu hút được hành khách, DN vận tải vẫn duy trì tốt hoạt động.
Bên cạnh đó, các bến xe phải chủ động hơn nữa trong việc xây dựng biểu đồ vận hành cho VTHKTCĐ, nhất là trong những ngày cao điểm lễ, Tết.
Ngoài việc dự phòng xe còn cần có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ giữa bến xe hai đầu tuyến. Các bến cùng bàn bạc, đề xuất Sở GTVT chủ quản cho phép xây dựng một biểu đồ nhịp nhàng, bảo đảm thời gian giãn cách giữa các chuyến xe trên cùng một tuyến không quá dài, người dân không phải chờ đợi lâu, ngay cả khi bị tác động bởi yếu tố khách quan như: tắc đường, thiếu xe.
Khi có thông tin từ lực lượng chức năng về xe khách “rùa bò”, lê la trên đường, cố tình dừng đỗ tùy tiện, kéo dài thời gian đi lại gây khó chịu cho hành khách, các bến phải quyết liệt xử lý bằng những chế tài mạnh như: tạm đình chỉ hoạt động, phạt tiền… Mục đích của việc xử lý là xây dựng hình ảnh VTHKTCĐ nói chung nghiêm túc, chắc chắn, chất lượng cao, nói không với những hành vi gây khó chịu cho hành khách kể cả khi nó diễn ra bên ngoài bến xe.
Mặt khác, để bảo đảm quyền lợi cho DN vận tải, cũng như hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng trong công tác xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải, trật tự, ATGT, các bến xe cần đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông khu vực xung quanh bến.
Lực lượng chức năng có thể hỗ trợ bến xe lắp đặt và kiểm định nhằm bảo đảm các camera này đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Hình ảnh thu được có thể sử dụng để xử phạt nguội xe rùa bò, xe khách dừng đỗ sai quy định, taxi, xe ôm có hành vi bao vây, chèo kéo khách của bến xe.
“Dọn sạch” vi phạm trên những tuyến đường xung quanh cũng là một trong những biện pháp cấp thiết để tăng cường hiệu quả hoạt động của các bến xe. Không còn bị xe “dù”, xe trá hình bủa vây, xe VTHKTCĐ trong các bến sẽ có thêm khách, tăng doanh thu, ổn định kinh doanh, và quan trọng hơn là không bị cuốn theo những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, làm xấu đi hình ảnh của mình.
Thời gian qua, các đơn vị VTHKTCĐ đã phải chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên cần nhìn nhận một cách công tâm rằng, chính các DN đang tự làm suy yếu mình, kể các DN quản lý, khai thác bến xe. Việc cần nhất lúc này là bến xe phải thay đổi tư duy, cung cách hoạt động, lấy người dân và DN làm trọng tâm phục vụ, chủ động tổ chức kinh doanh, tăng thêm sức hấp dẫn cho VTHKTCĐ.
Thạc sĩ tổ chức, quản lý vận tải Nguyễn Tuyển