Hai vai trò rõ rệt
Hơn bao giờ hết, XKLT đang đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng lớn. Lượng hành khách sụt giảm, thị phần bị chia nhỏ bởi hàng không, đường sắt; đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt của xe khách trá hình, xe ghép, xe tiện chuyến.
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của XKLT có vấn đề về dịch vụ vận tải. Một bộ phận rất lớn hành khách có tâm lý ngại đến các bến đón xe vì lo sợ cảnh chèo kéo, mất trật tự, mất vệ sinh, đi lại từ nhà đến bến khó khăn, rắc rối.
Nhiều năm qua, với sự đầu tư và nỗ lực không ngừng của đơn vị quản lý, các bến xe lớn tại Hà Nội như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm… đã có sự thay đổi rõ rệt, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Tuy nhiên, tâm lý e ngại của hành khách vẫn chưa được xóa sạch.
Bến xe cần được nhìn nhận với hai vai trò rõ rệt. Thứ nhất là đầu mối thu hút hành khách, nơi người dân được cung cấp dịch vụ tốt nhất, được yên tâm mỗi khi nghĩ đến XKLT. Thứ hai là đầu mối, là công cụ quan trọng góp phần quản lý XKLT, giữ gìn trật tự trong lĩnh vực vận tải hành khách cũng như góp phần đảm bảo trật tự, ATGT cho TP.
Thứ mà các bến xe lớn tại Hà Nội đang còn thiếu là một tiêu chuẩn để định vị thương hiệu, tạo nên sự yên tâm cho hành khách. Ví dụ như đường sắt đô thị, xe buýt điện … Nhắc đến những loại hình này là người dân ngay lập tức có thiện cảm và muốn lựa chọn sử dụng bởi chất lượng dịch vụ của nó là không phải bàn cãi.
Trong khi đó bến xe lại là một thương hiệu gây ngần ngại, khiến người dân băn khoăn về rất nhiều yếu tố từ an toàn cho đến sự thoải mái. Hà Nội có 5 bến xe lớn, nhưng như thế nào là một bến xe tốt; nơi nào chất lượng hơn, nơi nào cần tiếp tục hoàn thiện lại chưa có tiêu chuẩn để đánh giá.
Muốn vực dậy XKLT, cần đặt yếu tố chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, và chất lượng của bến xe lại càng cần phải ưu tiên quan tâm hơn. Nếu thay đổi được quan niệm “sợ” bến xe, các bến của Hà Nội cũng như hệ thống XKLT sẽ thu hút được đông đảo hành khách hơn, có nhiều lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Định vị thương hiệu
Muốn thay đổi quan niệm của người dân về XKLT và bến xe, trước hết Hà Nội cần định vị thương hiệu cho những đầu mối vận tải liên tỉnh này. TP cần đưa ra một bộ tiêu chí để làm căn cứ, từ đó xây dựng các bến xe chất lượng cao. Bến xe được công nhận là “chất lượng cao” sẽ mang đến sự đảm bảo cho hành khách yên tâm sử dụng.
Bến xe chất lượng cao cần đáp ứng được 3 tiêu chí chính gồm: an toàn; kết nối thuận tiện; vệ sinh sạch sẽ. Mức độ đáp ứng đối với các tiêu chí này phải được chấm điểm và giám sát bởi cơ quan quản lý nhà nước, thực sự tương xứng với thương hiệu “chất lượng cao”.
Ví dụ như về an toàn, hiện nay các bến xe của Hà Nội đều đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của người dân; tình trạng trộm cắp, chèo kéo, lừa khách lên xe cơ bản đã được đẩy lùi.
Nhưng có nơi vẫn còn tồn tại tình trạng xe ôm, taxi bao vây cổng bến, xộc vào tận sân đỗ, nhà chờ để mời mọc khiến không ít hành khách hoang mang. Hoặc có nơi làm tốt công tác an toàn nhưng lại không quảng bá được đến người dân một cách hiệu quả.
Nếu có một chuẩn mực an toàn cho bến xe chất lượng cao được cơ quan quản lý Nhà nước công nhận, người dân sẽ gạt bỏ được những băn khoăn cố hữu. Qua đó thương hiệu bến xe an toàn sẽ được định vị trong quan điểm của mỗi người dân.
Tương tự các tiêu chí về kết nối đối với bến xe chất lượng cao cũng có vai trò vô cùng quan trọng giúp thay đổi nhận thức của hành khách. Một bến xe chất lượng cao phải kết nối tốt cả trên lộ trình lẫn trong các phương thức tìm kiếm trực tuyến.
Một bến xe chỉ được đánh giá là chất lượng cao khi người dân dễ dàng tìm được tuyến XKLT mình muốn đi, mua vé đặt chỗ ngay trên các thiết bị thông minh. Bến xe phải có đội ngũ xe trung chuyển phục vụ khách, hoặc có thông tin lộ trình trực tuyến cụ thể để người dân chỉ việc bấm nút, lên xe, đến bến rồi đi liên tỉnh.
Khi đã đưa ra được tiêu chí xây dựng bến xe chất lượng cao, tất yếu các bến xe đều sẽ phải nỗ lực để đạt được, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách, và được lợi nhất là người dân và DN vận tải.
Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương