|
Nhiều vụ máy bay hư hỏng do va phải vật thể bay không người lái trên không |
Có thể nói vấn đề vật thể bay không người lái đe dọa an toàn bay đã ngày càng trở thành vấn đề nóng đối với ngành hàng không.
Những ẩn họa giấu mặt trên bầu trời
Chỉ trong 4 tháng cuối năm 2019, ngành hàng không ghi nhận không dưới 3 trường hợp máy bay bị đe dọa hoặc thậm chí là bị va chạm bởi vật thể bay lạ khi đang bay trên trời. Đã có thiệt hại xảy ra trong những cuộc “đụng độ” với những thiết bị bay không người lái này.
Đầu tiên là vụ việc xảy ra vào ngày 19/9 khi máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không T’way Air từ Seoul đến TP Hồ Chí Minh đã phải hạ cánh khẩn nguy tại Tân Sơn Nhất. Tổ bay đã thông báo trục trặc kỹ thuật và xin trợ giúp mặt đất lúc hạ cánh sau khi thấy có tiếng động lớn ở mũi máy bay lúc đang tiếp cận hạ cánh ở độ cao hơn 600 m. Sau khi kiểm tra, nhân viên kỹ thuật phát hiện phần mũi máy bay bị hư hỏng nặng, móp méo sau cú va chạm.
Không lâu sau đó, vào tháng 10/2019, chuyến bay VNA362 cũng của Vietnam Airlines cất cánh từ Nội Bài đi Frankfurt (Đức) cũng phát hiện 3 vật sáng bay hướng vế phía máy bay.
Tọa độ của vật thể bay phát sáng được xác định ở khu vực Yên Phong, Bắc Ninh. Do xác định vật thể lạ ở phía dưới máy bay, không có nguy cơ gây mất an toàn, tổ bay vẫn tiếp tục hành trình như kế hoạch. Sự việc sau đó được tổ lái báo cáo về Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài.
Gần đây nhất, vào ngày 16/12 là trường hợp của máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines khi thực hiện chuyến bay VN347 từ sân bay quốc tế Chubu (Nhật Bản) về sân bay Nội Bài. Trong quá trình vào hạ cánh, tại độ cao khoảng 2.000 ft, cách sân bay Nội Bài khoảng 14 km, tổ bay phát hiện vật thể lạ nghi là flycam bay ngược chiều, cách bên trái thân máy bay chỉ khoảng 100 m.
Ngay lập tức, Tổ bay đã thông báo cho Đài kiểm soát không lưu Nội Bài về sự việc trên. Cùng với đó, Sở chỉ huy khẩn nguy Nội Bài cũng thông báo cho Công an TP Hà Nội để điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
|
Flycam trở thành ''sát thủ'' đáng sợ đối với máy bay trên bầu trời |
“Thủ phạm” tình nghi trong cả những vụ việc này đều được cho là thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để chụp ảnh và quay phim từ trên không (flycam). Thậm chí, lực lượng kiểm soát viên không lưu tại Cảng hàng không quốc tế Liên Khương đã từng phải báo cáo và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra khi liên tục phát hiện vật thể lạ phát sáng trên đường cất/ hạ cánh. Đến khi lực lượng chức năn vào cuộc thì ngay lập tức phát hiện trong phạm vi bán kính khoảng 30km với tâm điểm là sân bay Liên Khương, có tới 16 trường hợp sở hữu và sử dụng flycam.
“Sát thủ nhí” mang tên flycam
Trong vài năm trở lại đây, flycam đang ngày một trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Với những tiện ích sẵn có, loại thiết bị bay không người lái này trở thành món đồ công nghệ được ưa chuộng sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh và báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với thiết bị bay không người lái này vẫn còn nhiều kẽ hở. Đặc biệt là nhiều trường hợp sử dụng flycam bay quá gần vùng máy bay cất hạ cánh sẽ có thể lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Nhìn bề ngoài, flycam tỏ ra vô cùng nhỏ bé trước những chiếc máy bay đồ sộ, khổng lồ. Thế nhưng, một khi va chạm xảy ra, khả năng phá hủy mà flycam gây ra đối với máy bay là vô cùng đáng sợ. Một trong những nguyên nhân khiến những vụ va chạm để lại hậu quả nghiêm trọng là do phần lớn va chạm thường xảy ra trên không trung khi máy bay đang di chuyện với tốc độ cực lớn.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Dayton Research Institute của Mỹ khi thực hiện vụ va chạm trên không trung giữa một flycam loại DJI Phantom 2 và máy bay cánh quạt loại Mooney M20 ở vận tốc 238 dặm/một giờ đã cho kết quả vô cùng kinh ngạc khi chiếc flycam gây ra một vết hỏng rất lớn trên thân chiếc Mooney M20.
|
Flycam đặc biệt nguy hại khi va chạm với mũi máy bay |
Bên cạnh đó, do flycam được thiết kế bằng vật liệu đặc biệt vừa giúp giảm trọng lượng của drone và tăng thêm sức cơ động cơ nhưng lại rất bền chắc. Chúng có thể gây thiệt hại ngay lập tức, khiến lá cánh động cơ bị biến dạng, gãy hoặc vỡ vụn. Ngay cả khi không có thiệt hại tức thì, động năng của các loại drone cỡ lớn có thể làm động cơ mất cân bằng. Quá trình này dẫn tới việc khối động cơ bị phá hủy, kéo theo đó là vùng cánh máy bay. Cho dù Động cơ hiện đại có thể chịu được va chạm của một số vật thể lạ, lớp vỏ có tác dụng như lá chắn bảo vệ thân máy bay khỏi các mảnh vỡ tốc độ cao, nhưng chúng không được thiết kế để chịu thiệt hại do flycam gây ra.
Thêm vào đó, mỗi flycam đều được trang bị các loại pin có dung lượng lớn nhằm dùng cho thiết bị điện tử gắn theo nên khi va chạm xảy ra, nguy cơ pin phát nổ và bốc cháy là không nhỏ. Đó còn chưa kể động năng của các loại drone cỡ lớn gắn trên flycam có thể làm động cơ mất cân bằng. Các nhà khoa học khuyến cáo rằng, trong trường lợp flycam va phải phần mũi máy bay thì nguy cơ phát hỏa rồi lan sang các bộ phận quan trọng ở phần mũi máy bay sẽ xảy ra.
Nghị định số 36/2008 của Chính phủ quy định về quản lý tàu bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ quy định các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh, phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến - Bộ tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay. Mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho một lần bay.
Trong công điện chỉ đạo liên bộ mới ban hành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng tạm ban hành chỉ thị cấm phương tiện bay không người lái hoạt động tại các sân bay và khu vực lân cận trong phạm vi 8 km tính từ ranh giới cảng hàng không, sân bay trở ra. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cảng hàng không và công ty quản lý bay có phương án phòng ngừa, ứng phó với phương tiện bay uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, phối hợp với Bộ Quốc phòng cùng thực hiện.