Chạy đua với thời gian trên công trình Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội đang bước vào giai đoạn quan trọng, chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ. Từ tuyến ray lưng chừng trời đã thành hình cho đến công trường ga ngầm còn bề bộn, những người kỹ sư, công nhân cặm cụi quên mình, tất cả chỉ thấy phía trước là một vạch đích chờ đợi bao năm.

Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm; được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Dự án đã được chia thành hai giai đoạn: Vận hành trước đoạn tuyến trên cao từ Nhổn đến ga S8 vào năm 2021; hoàn thiện toàn tuyến vào năm 2022.

Chay dua voi thoi gian tren cong trinh Duong sat do thi Nhon – Ga Ha Noi - Hinh anh 1
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu hồ hởi cho biết, trong năm 2019 này, tuyến ray trên cao sẽ hoàn thành, sẵn sàng cho đoàn tàu lăn bánh. Dù khối lượng công việc còn nhiều, khó khăn cũng không ít nhưng mục tiêu vận hành được đoạn tuyến trên cao đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ đối với tất cả cán bộ, công nhân đang làm việc tại dự án. 

Đã nhiều kỳ nghỉ lễ trôi qua, công trường dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội không ngừng tiếng máy. Những con người xa quê, xa gia đình vẫn cặm cụi đổ mồ hôi, tỉ mỉ với từng thành ray, con ốc. Khác với tất cả các dự án giao thông đã từng trải qua, nhiều cán bộ, công nhân đang làm việc trên tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã phải ngỡ ngàng trước đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, an toàn và ý thức lao động của nhà thầu cũng như tư vấn nước ngoài.

Anh Nguyễn Văn Dũng - thợ hàn tại dự án chia sẻ, để khớp nối toàn bộ tuyến ray trên cao dài 8.000m, hàng nghìn mối hàn đã được thực hiện theo công nghệ điện trở đối đầu tối tân. “Công nghệ mới khá lạ lẫm nhưng hiệu quả về chất lượng công trình, lại rút ngắn được thời gian và an toàn với người lao động” - anh Dũng bộc bạch. Còn Kỹ sư Joydeep Chaterjee - Phụ trách hạng mục hàn cho hay: “Công việc có khá nhiều áp lực về tiến độ, an toàn, chất lượng. Nhưng thứ gây áp lực lớn nhất cho tôi là cái nóng như thiêu đốt của mùa hè Hà Nội”. 

Đối với tuyến đi ngầm, Nhà thầu đang tập trung thi công tại các khu vực đã được bàn giao mặt bằng gồm: Dốc hạ ngầm, phần hộp ga S9 và nửa phía Bắc ga S10, nửa phía Bắc ga S12. Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, một trong những khâu được xem như “yếu huyệt” của toàn dự án. Chính sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng là nguyên nhân kéo lùi tiến độ dự án từ 3 - 5 năm, gây thiệt hại phụ trội về kinh tế, xã hội, giao thông…

Đáng mừng là cả 4 ga ngầm S9, 10, 11, 12 đều đã giải phóng được từ 94% mặt bằng trở lên. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ông Lê Trung Hiếu chia sẻ, để vượt qua được những khó khăn đeo đẳng trong suốt nhiều năm, nguồn sức mạnh lớn lao nhất là quyết tâm và hành động của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội. Cùng với đó là sự ủng hộ, cảm thông và chia sẻ của Nhân dân Thủ đô.

Tới hôm nay, 8.000m đường ray đã nối liền từ depo Nhổn đến ga S8, sẵn sàng cho 10 đoàn tàu lên tuyến trong khoảng hơn một năm nữa. Đoạn tuyến trên cao dự án đã hoàn thành 99,52% khối lượng công việc, tiệm cận vạch đích giai đoạn 1. Không lâu nữa, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ thực sự bước vào đời sống của Nhân dân Thủ đô với vai trò lịch sử, đánh dấu sự xuất hiện của vận tải công cộng khối lớn hiện đại và đầy mạnh mẽ trên bản đồ giao thông TP.

Yến Dư

Tin liên quan