Đầu tư 7.000 tỷ đồng cải tạo đường sắt, nâng tốc độ chạy tàu

 
Chia sẻ

Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh được ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hiện đại hóa để nâng cao tốc độ chạy tàu.

Sáng 20/6, tại Km1037+850, lý trình tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, thuộc địa phận thôn Vĩnh Bình (xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tiến hành Lễ ra quân Dự án đầu tư xây dựng công trình gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Dau tu 7.000 ty dong cai tao duong sat, nang toc do chay tau - Hinh anh 1
 Lêx ra quân thi công dự án

Nâng cấp, cải tạo, xây mới nhiều dự án

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng công trình gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (gọi tắt là Dự án) là gói thầu xây lắp thứ tư nằm trong các Dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn theo Nghị quyết số 556/NQ- UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự án do Ban QLDA 85 làm đại diện Chủ đầu tư. Tư vấn thiết kế là Liên danh Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (TEDI), Công ty CP Tư vấn Xây dựng và Thương mại Hưng Phú. Dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2019 với tổng mức đầu tư dự án là gần 1,8 nghìn tỷ đồng.

Đây là Dự án gia cố hầm yếu, kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.

Dự án nhằm đảm bảo ATGT đường sắt trong khu vực. Cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt. Đồng thời, tạo điều kiện nâng cao năng lực, tốc độ thông qua trên khu đoạn cũng như toàn tuyến, từng bước nâng cao thị phần vận tải đường sắt, rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách. Tạo điều kiện phát triển KT-XH, tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh cho khu vực.

Dự án sẽ gồm các hạng mục gia cố vỏ hầm yếu, thấm dột nặng và thay thế kiến trúc tầng trên đường sắt để nâng cao an toàn công trình đối với 10 hầm (Hầm số 1, Hầm số 2, Hầm số 3, Hầm Phủ Cũ, Hầm Chí Thạnh, Hầm Babonneau, Hầm Vũng Rô 4, Hầm Vũng Rô 2, Hầm Vũng Rô 1 và Hầm Bãi Gió).

Kéo dài đường ga đảm bảo chiều dài dùng được của đường ga ≥ 400m đối với 5 ga: Hiền Sỹ, Truồi, Hải Vân Nam, Đông Tác và Ninh Hòa. Đồng thời, đối với ga Ninh Hòa kết hợp bổ sung thêm đường số 4 và làm lại kết cấu mặt đường bộ, bãi hàng để tăng cường năng lực đón gửi tàu, xếp dỡ hàng hóa của ga. Đối với ga Hiền Sỹ và ga Truồi kết hợp cải tạo đường cong phía Nam của ga để nâng cao tốc độ chạy tàu, tăng cường năng lực thông qua.

Mở mới ga Xuân Sơn Nam tại Km 1162+200 thuộc địa phận xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Di dời ga An Mỹ hiện tại thuộc địa phận xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam và đặt tên ga mới là ga Tam Thành để cân bằng chiều dài khu gian, tăng cường năng lực thông qua của khu gian, đồng thời xóa bỏ giao cắt đường bộ qua ga An Mỹ hiện tại.

Ngoài ra, dự án sẽ nâng cấp, cải tạo nền đường, kiến trúc tầng trên 39,3km đường sắt; xây dựng tường rào, đường gom trên toàn tuyến để đảm bảo ATGT và nhiều hạng mục quan trọng khác...

Thực hiện "mục tiêu kép" của Thủ tướng

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM là một trong những trục giao thông Bắc - Nam quan trọng nhất của Việt Nam, kết nối hai đầu tàu kinh tế, các thành phố lớn, cơ sở kinh tế quan trọng, cảng biển…. Có tác động lớn đến sự phát triển KT-XH của đất nước và đây cũng là một phần của hệ thống tuyến đường sắt xuyên lục địa Á - Âu.

Theo các chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM được ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng. Tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn. Ngoài ra, từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại các điểm giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.

Đồng thời, theo chiến lược và quy hoạch phát triển đường sắt, ngoài tuyến hiện hữu với khổ đường 1m, sẽ nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam trong tương lai.

Để hoàn thành đồng bộ dự án và sớm đưa vào khai thác sử dụng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Ban QLDA85 khẩn trương đẩy nhanh công tác thiết kế, lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công xây dựng toàn bộ các gói thầu của dự án. Yêu cầu Tư vấn giám sát, các Nhà thầu thi công tập trung đủ nguồn lực để triển khai thực hiện Dự án đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ yêu cầu.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ, Tổng công ty ĐSVN phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư dự án trong các công việc liên quan để đáp ứng tiến độ cấp bách của dự án 7000 tỷ theo yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội.

"Việc khởi động thực hiện các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trong thời gian này là một trong những tín hiệu tích cực của Bộ GTVT nói chung, Ban QLDA 85 nói riêng nhằm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" theo chỉ đạo của Thủ tướng là vừa đảm bảo phòng, chống dịch thành công, vừa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng KTXH", Thứ trưởng Đông chia sẻ.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan