|
Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng |
Những ngày cuối cùng của năm 2019, bước song song dưới đoạn tuyến trên cao của dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội có thể thấy đâu đó ánh lửa hàn lập lòe hắt qua khe hộ lan. Những người cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn chưa ngơi nghỉ dù Tết đã cận kề. Cung dầm trên cao như một cầu vồng đơn sắc đã định hình hoàn thiện, mạnh mẽ vươn xa hút tầm mắt. Nhưng trong lòng nó vẫn thiếu đi nhịp điệu của những đoàn tàu, không khỏi khiến người ta có phần hụt hẫng.
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, cả 9 gói thầu của dự án đã được ký kết và triển khai ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó các gói thầu xây lắp đoạn trên cao, mua sắm đoàn tàu và lắp đặt trang thiết bị đã chuẩn bị cán đích. Bước ngoặt chia dự án ra thành hai giai đoạn, với mục tiêu đưa đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào vận hành, khai thác trước đã cho thấy hiệu quả thực tế. Việc điều chỉnh tiến độ toàn dự án cũng như đoạn tuyến trên cao là chẳng đặng đừng và có thể cảm thông đối với một đại dự án mà Hà Nội mới lần đầu thực hiện. Nhưng nó cũng là trăn trở của những người làm ĐSĐT.
Công bằng mà nói, dự án đã gần như “bất động” trong suốt nhiều năm. Phải từ năm 2016, khi Chính quyền TP với quyết tâm rất cao đã cải tổ mạnh mẽ bộ máy lãnh đạo của Ban Quản lý ĐSĐT, dự án mới bắt đầu có sự bứt phá.
Còn quá nhiều lo toan, quá nhiều tồn tại phải giải quyết nhưng dự án như đã được thổi một luồng sinh khí mới. Từ người công nhân tỉ mỉ với từng mối hàn, con ốc, những kỹ sư nước ngoài dày dạn kinh nghiệm cho đến lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, ai cũng cảm thấy bị thôi thúc phải sớm đưa dự án vào khai thác. Bởi vậy nên họ chưa nghĩ đến cái Tết sum vầy với gia đình mà vẫn lặng lẽ miệt mài với nó, bất chấp những nỗ lực chẳng mấy người biết đến.
|
Công nhân vận hành hệ thống xây dựng dự án. Ảnh: Ngọc Hải |
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội chia sẻ, bên cạnh niềm vui được thấy dự án chuyển mình mạnh mẽ, cũng có một chút chạnh lòng. Trong khi cả TP đang mong ngóng từng ngày tuyến ĐSĐT đầu tiên được đưa vào khai thác, thì đây đó vẫn còn một số trở ngại, khó khăn do thiểu số người gây nên. Ví dụ như tại nhà ga S7, chỉ một vài hộ dân, tổ chức vẫn cố tình gây khó khăn cho việc xây dựng chân thang. Hay mặt bằng một số ga ngầm còn vướng chỉ 1, 2 trường hợp mà ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của dự án.
Không chỉ khâu giải phóng mặt bằng, việc bố trí vốn cho dự án cũng đang gặp không ít khó khăn. Công tác giải ngân và bảo đảm tài chính cho nhà thầu cũng như bảo đảm giải ngân khoản vay trong thời gian hiệu lực của các Hiệp định vay đang chậm trễ. Cùng với đó là những rủi ro khó lường đối với tiến độ dự án; những thiệt hại kinh tế và trên hết là hệ luỵ đối với giao thông Hà Nội. Những trúc trắc, gian nan ấy đâu dễ thấy được bằng mắt thường.
Dẫu vậy, khó khăn từ đầu đã được những người làm ĐSĐT Hà Nội xác định rõ, sẽ là một phần tất yếu. Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Khó khăn không quyết định sự thành bại của dự án. Từ một khía cạnh khác, nó còn khơi dậy quyết tâm, sự sáng tạo và củng cố sự bền bỉ cho chúng tôi”.
Niềm tin, bản lĩnh và bầu nhiệt huyết của những người làm dự án chưa khi nào nguội lạnh. Cùng với quyết tâm và hành động thiết thực của Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội; sự ủng hộ, cảm thông và chia sẻ của Nhân dân Thủ đô, đó sẽ là sức mạnh tuyệt đối đưa dự án từng bước vượt qua khó khăn, sớm ngày về đích.
ĐSĐT là xương sống của hệ thống giao thông đô thị, là phương thức vận tải hiện đại, văn minh và hiệu quả bậc nhất đối với cả thế giới. Nó sẽ là bước đột phá quan trọng để giảm UTGT và ô nhiễm môi trường, góp phần đưa Hà Nội hướng tới sự phát triển bền vững. Bởi vậy, ĐSĐT cần được ưu tiên tập trung mọi nguồn lực vật chất, tinh thần để vượt qua giai đoạn sơ khởi còn nhiều bỡ ngỡ và gian nan này.