|
Xe máy lấn làn, chèn ép xe buýt BRT trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Ngọc Hải |
Ùn tắc khiến mọi phương tiện vô giá trị
Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi đang là hai trong số những tuyến đường trọng yếu nhất tại cửa ngõ Tây Nam Thủ đô. Mật độ phương tiện lưu thông trên hai tuyến này cực kỳ dày đặc, UTGT diễn ra đều đặn ngày hai lượt vào giờ cao điểm sáng chiều. Đặc biệt vào những ngày trời mưa, hai tuyến đường này gần như tê liệt, kể cả tại nút giao với 4 mức lưu thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, UTGT trên hai tuyến này là do lượng phương tiện cá nhân quá lớn, bao gồm cả ô tô và xe máy. “Xe cá nhân chen lấn, cản trở nghiêm trọng, khiến phương tiện VTCC lưu thông không hiệu quả. Nếu không hạn chế được xe cá nhân, hai tuyến này dù mở rộng đường hơn nữa, thêm nhiều phương tiện VTCC hơn nữa cũng không thể hết UTGT” - ông Thắng đánh giá.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Phú Lãm, Hà Đông) chia sẻ: “Mỗi ngày tôi phải mất từ 90 - 120 phút di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại trên tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu, dù quãng đường chỉ khoảng 7km. Phải chen chúc trong tình cảnh UTGT đã vô cùng mệt mỏi nhưng quan trọng hơn là tiêu tốn, lãng phí thời gian”.
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, thực trạng UTGT trên hai tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi không hiếm thấy ở Thủ đô. Nhiều năm qua, Hà Nội đã gia tăng số lượng xe máy một cách thiếu kiểm soát, để lại những hệ lụy vô cùng lớn về giao thông và môi trường. “Đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn, hoặc hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy hoặc UTGT sẽ trở thành thảm họa. Giao thông ùn tắc là giao thông chết và mọi phương tiện đều sẽ vô giá trị nếu không lưu thông được” - ông Hải nhấn mạnh.
Mở hành lang phụ trợ
Hiện Hà Nội đang rất nỗ lực phát triển hệ thống VTCC, đầu tư mạnh mẽ nhất cho VTCC khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt BRT… Cả TP cũng chỉ mới có hai tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi là đã và sắp có VTCC khối lượng lớn.
Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường đưa ra so sánh, một chuyến tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông năng lực tĩnh tương đương với 12 tuyến xe buýt 80 chỗ ngồi. Còn năng lực động tương đương 24 tuyến xe buýt 80 chỗ ngồi; do tốc độ vận hành cao, chỉ 22 phút/chuyến, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của UTGT như xe buýt. Khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động, mỗi chuyến tàu có thể vận chuyển khoảng 1.000 người, thay thế hàng nghìn xe máy lưu thông trên đường.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng cho biết, hiện tuyến buýt BRT 01 vẫn chưa khai thác hết công suất, còn dư lượng phương tiện chưa được đưa vào sử dụng. Nếu tổ chức kết nối tốt với mạng lưới buýt thông thường có thể hạn chế tối đa xe máy trên tuyến Lê Văn Lương. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, chính do sự tham gia quá đông xe cá nhân mà xe buýt BRT không phát huy được hiệu quả, dẫn đến sự nhìn nhận chưa đúng giá trị của VTCC khối lượng lớn trong bộ phận không nhỏ người dân.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội chia sẻ thêm, có hai vấn đề cốt yếu cần chuẩn bị khi thí điểm hạn chế xe máy là mạng lưới xe buýt thường kết nối với VTCC khối lượng lớn phải đảm bảo. Bên cạnh đó, VTCC không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, hay nhu cầu di chuyển nhanh khi người dân cần gấp. Do đó, đối với tuyến đường thí điểm hạn chế xe máy cần có một hoặc một vài hành lang bổ trợ, là nơi mà người dân có thể lựa chọn để di chuyển bằng xe máy.
Hiện chưa có phương án cụ thể có thí điểm hạn chế xe máy trên hai tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương hay không. Nhưng chắc chắn, nếu thí điểm sẽ phải chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để đảm bảo đi lại cho Nhân dân.
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải