Đường nối vành đai 2 và 3 chậm tiến độ: Kỳ vọng nhiều, thất vọng lớn

VŨ KHOA - MINH TƯỜNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự án đường nối Vành đai 2 và 3, đi qua địa bàn các phường Phú Thượng (Tây Hồ) và Đông Ngạc (Bắc từ Liêm) được triển khai từ năm 2014, đến nay vẫn bế tắc do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) 18 hộ dân. Suốt 7 năm chờ đợi, người dân trong phạm vi dự án phải sống cảnh lụp xụp, không dám sửa chữa nhà cửa; giao thông khu vực vẫn triền miên ùn tắc.

7 năm lo âu mòn mỏi 

Khi triển khai Dự án Khu đô thị (KĐT) Nam Thăng Long, nằm tại khu vực giáp ranh giữa hai quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm, Chủ đầu tư – Công ty TNHH Phát triển KĐT Nam Thăng Long đã đưa vào kế hoạch xây dựng một tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân – cầu Thăng Long nhằm đảm bảo kết nối giao thông cho khu vực. Tuyến đường có quy hoạch rộng 40m, dài 2,8km. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay, đã 7 năm mòn mỏi, dự án vẫn dậm chân tại chỗ do vướng mắc khoảng 50m GPMB của 18 hộ dân thuộc Khu tập thể Công ty lắp máy Inco (tiền thân là Khu tập thể hóa chất), trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Duong noi vanh dai 2 va 3 cham tien do: Ky vong nhieu, that vong lon - Hinh anh 1
 18 hộ dân mắc kẹt giữa dự án.

Trong góc sân cũ kỹ của dãy nhà gắn biển Ban quản lý đầu tư - Công ty lắp máy (Inco), những ngôi nhà 30 năm tuổi đã xuống cấp nghiêm trọng chực chờ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhưng người dân sinh sống tại đây không dám tu sửa, đời sống thường nhật của các hộ gia đình trong khu tập thể cũng chìm trong không khí lo âu, hoang mang ngày qua ngày. Bà Nguyễn Thị Thủy – một trong các chủ hộ ở khu tập thể Inco cho biết, đã nhiều lần được chính quyền địa phương mời họp bàn phương án GPMB để làm đường, nhưng rồi đâu lại hoàn đó. Việc mắc kẹt giữa dự án đường khiến 18 hộ dân nói trên vô cùng bối rối, đi không được, ở không xong.

Duong noi vanh dai 2 va 3 cham tien do: Ky vong nhieu, that vong lon - Hinh anh 2
 Những căn nhà 30 năm tuổi cũ kỹ.
Duong noi vanh dai 2 va 3 cham tien do: Ky vong nhieu, that vong lon - Hinh anh 3
 Hư hại nhiều phần và tiềm ẩn rủi ro lớn.

Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, bà Thủy cho biết bản thân cũng đồng thuận với việc di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án mở đường của địa phương. Nhưng hiện tại người dân còn mông lung vì chưa biết thời điểm di dời cũng như phương án tái định cư cụ thể ra sao. “Có những căn nhà dột từ trên xuống dưới nhưng chúng tôi không dám tu sửa vì lo ngại sẽ không được đền bù khoản tiền này” - bà Thủy nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã lên kế hoạch và yêu cầu phòng, ban chuyên trách từ nay đến cuối năm 2021 phải hoàn thiện GPMB cho dự án. Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, phần chi phí bồi thường sẽ do Công ty TNHH phát triển KĐT Nam Thăng Long chi trả.

Bao giờ thông tuyến?

Ông Trần Quốc Toản – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển KĐT Nam Thăng Long cho biết, tuyến đường nối các vành đai này thuộc giai đoạn 2 của dự án KĐT Nam Thăng Long. Trong thời gian vừa qua, để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, phía chủ đầu tư thi công theo phương án có mặt bằng tới đâu làm tới đó. Bản thân DN cũng mong muốn địa phương bàn giao nốt phần mặt bằng còn lại, vì bên cạnh hiệu quả về giao thông, tuyến đường cũng sẽ đóng góp rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho các DN đang đầu tư vào KĐT Nam Thăng Long.

Duong noi vanh dai 2 va 3 cham tien do: Ky vong nhieu, that vong lon - Hinh anh 4
Phần đường đã hoàn thành hướng đi cầu Nhật Tân.

Có thể thấy, với sự đồng thuận của cả chính quyền, DN và người dân, lẽ ra tuyến đường phải được sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng; thế nhưng đến nay vẫn chưa bên nào có thể khẳng định chắc chắn thời điểm hoàn thành, đưa vào khai thác công trình. Để tìm hiểu rõ hơn những tồn tại của dự án, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đơn vị trực tiếp thực hiện công tác GPMB là Trung tâm phát triển quỹ đất quận Tây Hồ.
Vị đại diện đơn vị này cho hay, hiện có 3 phần sở hữu còn tồn tại trên mặt bằng làm đường bao gồm: Trạm điện của Công ty điện lực Tây Hồ; một phần đất của Inco; và 18 hộ dân khu tập thể Hóa chất cũ. Trong đó các trạm điện và phần đất của Inco đã nằm trong quy hoạch của TP nên công tác GPMB sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Riêng về 18 hộ dân trong khu tập thể đã sống tại đây từ năm 1987, TP đã bố trí tái định cư bằng nhà ở xã hội. UBND quận đã có văn bản báo cáo UBND TP để áp dụng cho người dân được mua nhà theo quy định. Tuy nhiên, một số hộ gia đình cho biết, không đủ khả năng mua nhà tái định cư vì mức bồi thường, hỗ trợ còn thấp. Với những trường hợp không đủ điều kiện kinh tế, UBND quận sẽ thực hiện theo phương án thuê mua, người dân trả từng phần và thuê phần còn lại diện tích căn hộ cho tới khi đáp ứng khả năng về tài chính.

Năm 2014 tuyến đường nối Vành đai 2 và 3 được khởi công với dự kiến hoàn thành trong khoảng 6 tháng và được kỳ vọng sẽ tạo ra kết nối giao thông cực kỳ thuận lợi giữa hai cầu Nhật Tân và cầu Thăng Long, giảm tải đáng kể cho các tuyến An Dương Vương; đường Nguyễn Hoàng Tôn đang ngày càng chật hẹp vì áp lực gia tăng lưu lượng phương tiện.

Tin liên quan