Ảnh minh họa
|
Cụ thể, UBND TP Hà Nội yều cầu các khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ, thương mại, các tuyến đường mới xây dựng hoặc đầu tư xây dựng mở rộng theo quy hoạch phải đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung để lắp đặt đường dây, đường ống theo quy định.
Việc xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung và cải tạo, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông đi nổi triển khai theo quy hoạch phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất với các đồ án quy hoạch chuyên ngành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô và tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Về phía chủ đầu tư, nhà đầu tư xây dựng công trình hạ tầng dùng chung phải có phương án kế thừa và bảo đảm kết nối liên thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi hiện có. Việc cải tạo, sắp xếp đường dây nổi và lắp đặt tủ cáp, hộp cáp, bộ chia tín hiệu truyền hình trên cột treo cáp bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, an toàn lưới điện, an toàn thông tin, an toàn giao thông đô thị và mỹ quan đô thị.
Đáng chú ý, UBND TP yêu cầu các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, đơn vị quản lý hệ thống cột treo cáp và đơn vị sở hữu đường dây, cáp phải thiết lập đường dây nóng 24/24 giờ, cung cấp số điện thoại liên hệ, danh sách cán bộ phụ trách để xử lý sự cố, tình huống khẩn cấp. Khi có sự cố cũng như các tình huống khẩn cấp, trong thời gian muốn nhất là 24 giờ các bên phải phối hợp khắc phục.
Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 15/9/2020, thay thế cho hai quyết định 56/2009/QĐ-UBND và 26/2014/QĐ-UBND quy định về quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại đường dây cáp đi nổi trên địa bàn.