Kiên quyết thực hiện quy hoạch hạn chế cấp phù hiệu cho taxi ngoại tỉnh

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Kế hoạch phát triển phương tiện của TP Hà Nội đã được thực hiện theo quy hoạch, đạt số lượng xe taxi đủ điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, để khắc phục kẽ hở, Bộ GTVT cũng như các sở ngành đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Dư luận bức xúc

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải – Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc taxi ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể, một số đơn vị vận tải đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật dù Nghị định 10/2020 quy định rõ, các đơn vị vận tải đăng ký trên địa bàn tỉnh nào thì phải hoạt động tối thiểu 70% trên địa bàn đó.

“Khi Sở GTVT không đồng ý tăng xe vì số lượng hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu của Hà Nội, đã thực hiện theo quy hoạch thì các đơn vị lại ra tỉnh ngoài đăng ký rồi đưa xe quay lại Hà Nội hoạt động”, ông Nguyễn Tuyển nói.

Việc xe taxi đăng ký ngoại tỉnh nhưng hoạt động chủ yếu trên địa bàn Hà Nội gây ảnh hưởng lớn đến quy hoạch, cũng như các kế hoạch mà cơ quan quản lý đã đề ra và kiên trì thực hiện trong thời gian dài.

Trước tình hình đó, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra sở, phối hợp với lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý. Đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến với UBND các tỉnh lân cận, Bộ GTVT ý kiến với Sở GTVT có đơn vị thường xuyên đưa xe vào TP Hà Nội, yêu cầu phải xử lý nghiêm.

Dù hiện tại các bước xử lý hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do Sở GTVT các tỉnh chưa có phần mềm, việc giám sát chưa được điện tử hóa nhưng Sở GTVT Hà Nội vẫn thể hiện quan điểm rất rõ ràng và quyết tâm thực hiện. “Còn rất khó khăn nhưng chúng tôi cho rằng không phải không thực hiện được, thực hiện thủ công sẽ chậm hơn, chúng ta vẫn phải làm”, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đã mời các Sở GTVT liên quan để đề nghị rà soát, xử phạt các DN không chấp hành quy định đồng thời kiến nghị Tổng cục Đường Bộ, Bộ GTVT hoàn thiện tính năng tra cứu để xử lý có hiệu quả theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

“DN đăng ký ở địa phương nào thì phải phục vụ tối thiểu 70% tại địa phương đó. Hà Nội không ngăn sông cấm chợ. Hiện chúng tôi đang tổng hợp danh sách các đơn vị đăng ký trên địa bàn thành phố để cùng các tỉnh lân cận có thống kê rõ ràng, đảm bảo cho công tác quản lý”, ông Đào Việt Long nói.

 

Kien quyet thuc hien quy hoach han che cap phu hieu cho taxi ngoai tinh - Hinh anh 1
 Taxi Sao Thủ Đô có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi do Sở GTVT hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên thực hiện nhưng hoạt động chủ yếu tại Hà Nội.

Thiếu cân bằng giữa xe truyền thống và xe hợp đồng?

Vừa qua, 8 DN vận tải hành khách bằng hình thức xe dưới 9 chỗ, loại hình kinh doanh xe taxi ở một số tỉnh lân cận TP Hà Nội như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... có đơn kêu cứu gửi đến Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND TP Hà Nội.

Trước khi Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020 chuẩn bị có hiệu lực, các đơn vị đã chủ động liên hệ với Sở GTVT để được hướng dẫn việc cấp phù hiệu xe taxi tại Hà Nội cho những xe taxi thường xuyên hoạt động.

Sau đó, Sở GTVT Hà Nội không chấp thuận đề nghị cấp phù hiệu vì lý do thành phố vẫn đang quy hoạch, không cho mở mới đối với xe taxi vì xe taxi đã đủ phục vụ. Tuy nhiên các DN lại cho rằng ý tưởng hạn chế cấp phù hiệu khiến các xe đang hoạt động tại Hà Nội không có hiệu quả.

“TP Hà Nội cấm mở mới hãng taxi nhưng lại cho mở mới xe Hợp đồng dưới 9 chỗ. Loại hình này hoạt động như taxi truyền thống và phát triển rất nhanh. Điều này không phù hợp với quy hoạch của thành phố mở Sở GTVT Hà Nội đưa ra khi trả lời các đơn vị”, văn bản nêu.

Do đó, 8 DN này đề nghị cơ quan quản lý rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nào không còn phù hợp với thực tế thì nên xóa bỏ để tháo nút thắt, tạo đà cho các DN taxi phát triển bình đẳng và không bị phân biệt.

Bên cạnh đó là đề xuất Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND TP Hà Nội sớm có văn bản hướng dẫn Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu xe taxi cho các đơn vị, do đã có xe và đang hoạt động tại Hà Nội trước khi Nghị định 10/2020 có hiệu lực.

Phần để bù đắp lượng taxi rất lớn thiếu hụt tại Hà Nội, do sự cạnh tranh rất khốc liệt của thị trường gây ra sự mất cân bằng giữa các loại hình kinh doanh vận tải khách. Một phần, do mở rộng quy hoạch của TP Hà Nội tạo ra sự thiếu hụt xe taxi truyền thống phục vụ khách tại Hà Nội.

Bảo vệ quyền lợi kinh doanh hợp pháp cho các đơn vị, để thỏa mãn nhu cầu tự do kinh doanh. Mặt khác, cũng để tạo sự lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh trong sân chơi chung.

Tuy nhiên trong lá đơn mà gửi đến các cơ quan quản lý, không có nội dung nào nhắc đến sự phục vụ đối với nhu cầu hành khách, nơi mà các DN này đăng ký hoạt động.

Điểm C, Điều 6 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định

Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

 
“Hiện nhiều đơn vị tìm cách “lách luật” hoạt động ở Hà Nội ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự ATGT đô thị, phá vỡ quy hoạch vận tải”, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội.

 

 

Vũ Khoa

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h